Đến làng cổ Đường Lâm ăn gì ngon

Du khách đến thăm quần thể di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) ngoài được tìm hiểu chiêm ngưỡng các loại hình di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quý báu cùng cảnh quan thiên nhiên môi trường nên thơ hòa quyện với cuộc sống và sản xuất, còn được thưởng thức các món ăn truyền thống.

Đường Lâm còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm và thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi. Thịt quay đòn ngọt, đậm vị và thơm mùi húng lìu, quyện lẫn với mùi lá ổi, ăn mãi mà không ngấy.

Thịt quay đòn

Các loại kẹo truyền thống: Kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng được sản xuất bằng các nguyên liệu như: lạc, đường, mạch nha, vừng, bột gạo. Làng Đông Sàng nổi tiếng với sản phẩm này, thời gian gần đây nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức trong nước và quốc tế các loại kẹo này luôn được gia đình cải tiến, đổi mới cũng như xin đăng ký xét nghiệm về các chỉ số, hàm lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại kẹo đang được tiêu thụ và giới thiệu thường xuyên ở các hội chợ triển lãm.

Chè kho: Được làm bằng nguyên liệu chính là đỗ xanh, đường kính. Người ta xay đỗ thành dạng bột nhỏ mịn rồi cho vào nồi đồ chín bằng hơi nước, các phong chè kho được đúc ra từ khuôn gỗ có in hình chữ phúc hay chữ lộc bọc trong lớp giấy màu hồng nhạt, bánh được bày trên mâm cỗ của tiệc làng, hội đình hay tiệc cưới…

Chè lam: Sản phẩm này ăn vào mùa Đông sẽ ngon và hấp dẫn hơn, người nấu cũng phải có những bí quyết riêng như cách pha nước gừng, đường, trộn bột, mẻ chè phải được đánh đều tay rồi đổ ra mẹt, cán đều cho phẳng rồi gà chờ cho nguội mới dùng kéo cắt (khi chưa dùng ngay không nên để chè lam vào tủ lạnh nó sẽ đông cứng lại).

Bánh rán nước: Đĩa bánh thường có màu vàng đó là màu của quả rành rành được người dân phơi khô giã lọc lấy nước, nhân bánh làm bằng đỗ xanh, bề mặt bên ngoài có rắc ít vừng trắng, bánh này được làm chín bằng nồi hấp cách thuỷ

Thịt quay đòn: Nguyên liệu để làm món này gồm: thịt ba chỉ tươi loại có lớp da dày, gia vị gồm hạt tiêu, nước mắm, mỳ chính, đặc biệt là lá ổi ta được thái nhỏ. Tảng thịt sau khi được tẩm ướp, được quấn vào đòn tre bằng dây thép chống rỉ, thịt được quay trên lò than hoa trong thời gian 6h, quãng thời gian ấy người thợ phải tập trung cao có sự điều chỉnh nhiệt lượng và vị trí của đòn quay cho phù hợp.

Gà mía: Cùng với các loài gà ở miền Bắc như: đông cảo, gà hồ, gà Tân Sơn, Yên Thế, gà mía cũng là giống gà nổi tiếng ở miền Bắc. Nó được nuôi vỗ bằng ngô, cám gạo, thóc, sắn. Dáng con gà thường có dạng đầu nhỏ, mình vuông (lúc còn nhỏ) da gà có màu đỏ au như trái gấc chín nhưng khi con gà có trọng lượng từ 2kg trở lên thì da của chúng bắt đầu chuyển sang màu vàng. Thịt gà mía thơm ngon, có vị đậm, không nhũn như thịt gà công nghiệp cũng không dai quá như gà ta, da gà và khối mỡ mau vàng ăn rất giòn (gà trống).

Nghề làm tương ở Đường Lâm có từ thời xa xưa và mỗi nhà đều có một vài vại tương phơi ngoài sân. Để có được bát tương ngon cũng cầu kỳ, kiểu cách. Để có nước tương ngon, người làng Đường Lâm có bí quyết dùng nước giếng Giang (giếng nước đá ong ở gần nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh), bởi nước từ giếng ấy trong văn vắt và ngọt lừ. Có nước đỗ ngâm từ đậu tương rồi, người làm tương Đường Lâm sẽ cho dấm mốc vào trong chum, phơi giữa sân dưới nắng hè tháng 6 cho thật nhuyễn.

Tương bần

Theo quan niệm của người Đường Lâm, gà Mía là sản vật quý, thể hiện cho sự ăn nên làm ra, sung túc và đủ đầy trong mỗi gia đình. Đặc sản “đầu công, mình cốc…” này từng là sản vật “tiến vua” một thời...

Thịt gà mía Đường Lâm

Tương bần: đây là món ăn rất dân dã được mọi nhà chế biến thường xuyên từ xa xưa, có 2 loại tương được làm từ gạo và từ ngô nguyên liệu không thể thiếu là đỗ tương, muối, nước ngọt được lấy từ giếng đá ong, tương được ủ và đậy nắp kín trong chum sành, những tuần trời nắng nhiều sẽ rất thuận lợi cho việc làm tương. Trong chum hay hũ tương, người ta thường để vào đó những quả cà bát hay khẩu thịt lợn luộc (2 thứ này bảo quản trong đó rất an toàn và làm thức ăn mặn rất tốt, hiện nay ở thôn Mông Phụ có nhiều nhà làm tương rất ngon, tương cũng đang là món hàng được du khách ưa chuộng và mua nhiều (mang về kho cá, kho thịt, chấm rau luộc, đậu phụ chiên…).

Củ cải khô: Được trồng chủ yếu ở khu vực gò Lồ Cang, Áng Độ được người dân phơi khô dưới nắng (không sấy bằng lò than), những miếng củ khô được đóng vào túi bóng cỡ từ 100-200g, khi ăn phải ngâm với nước cho các miếng mềm và nở ra, món này dùng xào với thịt bò, thịt lợn hay ngâm dấm.

Ngoài những sản phẩm kể trên khách du lịch còn có thể thưởng thức một số các sản phẩm khác do người dân chế biến để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày cũng như các dịp lễ hội, sự kiện của làng như: bánh gai, bánh rợm, bánh tẻ, chè nụ vối, hạt sen và chè lá sen…

Bản đồ Đường Lâm (làng cổ)

Đường Lâm (làng cổ)

Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam. Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2006.

Đây là quê hương nhiều danh nhân như bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Giang Văn Minh, , bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền.

Tuy gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Đầu thế kỷ 19, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.

Sách Đại Việt địa dư toàn biên, Nguyễn Văn Siêu viết: "... Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có 2 đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông-1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia này...

Vị trí

Làng cổ Đường Lâm nằm bên hữu ngạn sông Hồng (bờ phía Nam), cạnh đường Quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh. Nằm cách Hà Nội 50 km về phía Tây Con sông Tích Giang chảy từ hướng hồ Suối Hai huyện Ba Vì, qua Đường Lâm, để vào thị xã Sơn Tây. Đường Lâm giáp xã Cam Thượng (tức Cam Giá Thượng) huyện Ba Vì ở phía Tây và Tây Bắc. Tây Nam giáp xã Xuân Sơn, phía Nam giáp xã Thanh Mỹ, phía Đông Nam giáp phường Trung Hưng, phía Đông giáp phường Phú Thịnh, đều của thị xã Sơn Tây. Phía Bắc Đường Lâm tiếp giáp với huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, ranh giới là sông Hồng.