1. Cây Cà độc dược - Datura metel L., thuộc gọ Cà - Solanaceae.
Cà độc dược còn gọi là mạn đà la (hoa trắng), tên khoa học là Datura metel, thuộc họ Cà (Solanaceae).
Mô tả: Cây thảo cao đến 2m, sống hằng năm, phần gốc của thân hoá gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn, mọc so le; phiến lá nguyên, hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều. Hoa to, mọc đứng, thường đơn độc, ít khi xếp từng đôi ở nách lá; đài hoa liền nhau, hình ống, màu xanh, phía trên có 5 răng; cánh hoa màu trắng, dính liền với nhau thành hình phễu dài đến 20cm nhưng vẫn thấy có 5 thuỳ; có 5 nhị dính trên cánh hoa; bầu trên, có 2 lá noãn, hàn liền nhau, chứa nhiều noãn. Quả hình cầu, màu lục, đường kính 3cm, có nhiều gai mềm mỏng ở mặt ngoài, khi chín nở làm 4 mảnh. Hạt nhiều, nhăn nheo, màu nâu nhạt.
Mùa hoa quả: Tháng 4 đến tháng 11 .
Hình ảnh Hoa, Lá, Qủa của cây Cà Độc Dược - Datura metel L
2. Thông tin mô tả Công dụng và tác dụng, bài thuốc của Dược liệu Cà độc dược
Bộ phận dùng: Hoa và lá - Flos et Folium Daturae, thường có tên là Dương kim hoa
Nơi sống và thu hái: Cây của Mỹ châu nhiệt đới, được thuần hoá ở nhiều miền nhiệt đới và ôn đới. Ở nước ta, cây mọc hoang khắp nơi và cũng được trồng làm cảnh và làm thuốc. Trồng bằng hạt trước mùa mưa. Người ta đã tạo ra nhiều giống trồng với lá có màu khác nhau: xanh, tía hay tim tím, hoa đơn hay hoa đôi. Có thể thu hái hoa vào mùa thu; thu hái lá quanh năm.
Thành phần hóa học: Trong cây chứa nhiều alcaloid, chủ yếu là scopolamin; còn có hyoscyamin, atropin, norhyoscyamin với tỷ lệ ít hơn. Người ta đã tìm được những chất khác như saponin, cumarin, flavonoid, tanin và chất béo. Lá chứa nhiều hyoscyamin. Nhựa chứa dầu cố định 12% và allantoin. Rễ cũng có hyoscyamin. Hoa chứa nhiều scopolamin và hyoscyamin với lượng ít hơn.
Tính vị, tác dụng: Hoa có vị cay, tính ôn, có độc; có tác dụng ngăn suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật. Các alcaloid trong Cà độc dược là những thuốc huỷ phó giao cảm và tác dụng giống nhau, chỉ khác nhau về mức độ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hoa được dùng trị ho, suyễn thở, ngực bụng lạnh đau, phong thấp đau nhức, trẻ em cam tích. Còn dùng làm thuốc tê trong phẫu thuật. Lá Cà độc dược là vị thuốc chặn cơn hen suyễn, chống co bóp trong bệnh đau loét dạ dày ruột, chống say sóng gây chóng mặt, nôn mửa khi đi tàu, thuyền và máy bay. Còn dùng chữa phong tê thấp, cước khí (sưng chân), đau dây thần kinh toạ, đau răng, động kinh, lòi dom. Lá đem ngâm lấy nước trị chứng ho có tính co cứng, suyễn và các nhánh khí quản viêm.
Cách dùng: Thường được dùng dưới dạng cao, bột, cồn thuốc, cồn thuốc tươi. Dùng ngoài làm thuốc hút, nướng đắp hoặc giã đắp. Để trị hen, dùng 1-1,5g lá hoặc hoa khô cuốn vào giấy hút lúc lên cơn hen.
Dùng lá hoặc hạt ngâm rượu uống mỗi ngày 10-15 giọt chữa nôn mửa, đau dạ dày ruột. Có thể ngâm lá tươi vào rượu để dùng. Dùng ngoài đắp mụn nhọt cho khỏi đau nhức, hơ nóng đắp trị đau dây thần kinh toạ.
Ghi chú: Lá cây có độc, khi dùng phải thận trọng. Khi đã phát hiện là bị trúng độc, phải giải độc bằng đường vàng và Cam thảo.
3. Cà độc dược thuộc nhóm độc bảng A
Theo GS-TS Đỗ Tất Lợi, mạn đà la là tiếng Trung Quốc phát âm từ chữ gọi tên cho loài cây có tên khoa học là Datura metel L., màu sắc sặc sỡ và đúng là cây mà ở nước ta có tên gọi là cà độc dược, thuộc nhóm độc bảng A, mọc hoang (cũng có nơi được trồng làm thuốc), gặp nhiều ở miền núi phía Bắc.
Trong cây cà độc dược có 2 loại chất: hyoxin và atropin, có trong lá, hoa, thân cây. Đây là cây được ghi trong danh mục cây thuốc trị hen suyễn.
Các tài liệu cổ cũng ghi nhận cà độc dược vị cay, tính ôn, có tác dụng trong khử phong thấp, chữa hen suyễn, nước sắc dùng cho những nơi tê dại, uống trong các trường hợp chữa kinh sợ, cuốn thuốc hút chữa ho do hàn, nhưng là loại có độc chất.
Liều độc của atropin tác động lên não làm say, có khi làm nạn nhân phát điên, hô hấp tăng, sốt, nổi cuồng, có lúc tê liệt tứ chi do thần kinh trung ương bị ức chế. Còn hyoxin tác dụng gần như atropin nhưng làm giãn đồng tử trong thời gian ngắn hơn. Hyoxin ức chế thần kinh nhiều hơn là kích thích.
Vì vậy hyoxin được dùng ở trong lĩnh vực điều trị thần kinh nhằm chữa co giật trong bệnh parkinson, hoặc phối hợp với atropin để chống say xe, làm dịu thần kinh. GS-TS Đỗ Tất Lợi khẳng định tuy có một số lợi ích như vậy nhưng cà độc dược thuộc vào loại có độc chất nên phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt không dùng được cho những người thể lực yếu, có bệnh về đường tim mạch.
Cùng một cách nhìn nhận như trên, TS sinh học Võ Văn Chi trong cuốn “Cây thuốc trị bệnh thông thường” cũng cho biết ở khu vực miền Nam cà độc dược có nhiều ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, và được dùng để chặn cơn hen suyễn, chống co bóp trong đau thắt dạ dày, chữa phong tê thấp v.v... nhưng là loại có độc chất nên phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng. Nhất định không thể tự mua theo đồn đãi để chữa trị bệnh tật khi chưa được hướng dẫn của thầy thuốc.
4. Nhiều ca chết người do dùng cà độc dược
Hiện nay, một số người bị hen suyễn, viêm xoang, thấy cà độc dược điều trị hiệu quả mà lại rẻ tiền, bèn mách nhau tìm mua. Thấy bán được hàng, có những nhóm người tổ chức đi tìm hái và phơi khô, làm thành từng gói rồi rao bán ở một số chợ và tận các khu dân cư nghèo. Ít ai biết, độc chất trong cà độc dược có thể làm nạn nhân phát điên, tê liệt tứ chi, hô hấp tăng...
5. Đốt cà độc dược để hít, mất khứu giác!
Tại khoa tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Phạm Thanh Sơn cũng cho biết đã có những người sử dụng cây cà độc dược đốt để hít nhằm chữa chứng chảy nước mũi vì viêm xoang. Do trong loài cây này có chất atropin có tác dụng làm co thắt các mao mạch trong mũi, nên sau một thời gian ngắn đốt cà độc dược để hít, họ thấy không còn chảy nước mũi nữa nên cứ tưởng thế là đã trị dứt được căn bệnh đầy phiền toái này. Nhưng điều rất nguy hiểm là tuy cắt được chứng chảy nước mũi, nhưng gần như mũi của những người này sau đó đều bị mất khứu giác, không còn khả năng phân biệt được các mùi. Những trường hợp này thường là bất trị!
Nguồn: Báo NLD