Cây dược liệu cây Sâm đại hành - Eleutherine bulbosa

Theo đông y Sâm đại hành Chữa thiếu máu, vàng da, mệt mỏi, xanh xao, băng huyết. Chữa viêm phế quản, ho gà, ho ra máu, viêm phổi, viêm họng, viêm amidan. Là thuốc tiêu độc, chữa lở ngứa, mụn nhọt, viêm họng. Sâm đại hành hay còn gọi phong nhạn, tỏi đỏ, tỏi lào, hành lào (Tên khoa học: Eleutherine bulbosa) là một loài thực vật có hoa trong họ Diên vĩ. Loài này được (Mill.) Urb. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1918.

1. Hình ảnh và mô tả cây Sâm đại hành, Tỏi lào, Hành lào, Hành đỏ - Eleutherine bulbosa

Sâm đại hành - Eleutherine bulbosa (Mill.) Urb.(E. subaphylla Gagnep.), thuộc họ Lá đơn - Iridaceae.

Tên khác: Hành đỏ, Tỏi đỏ, Sâm cau, Phong nhan, Hom búa lượt (Thái), Tỏi lào

Tên khoa học: Eleutherine subaphylla Gagnep., họ La dơn (Iridaceae). Cây được trồng làm thuốc ở nhiều địa phương nước ta.

Mô tả cây: Cây thảo cao 20-30cm. Thân hành (thường gọi là củ) giống củ hành nhưng dài hơn, có vẩy màu đỏ nâu. Lá hình giáo dài, gân lá song song. Hoa trắng mọc thành chùm. Quả nang, chứa nhiều hạt. 

Sâm đại hành

2. Thông tin mô tả Dược Liệu

Bộ phận dùng: Củ (tức thân hành) - Bulbus Eleutherines Bulbosae.

Nơi sống và thu hái: Loài đặc hữu của Ðông Ðông dương, mọc hoang và thường được trồng lấy củ làm thuốc. Có thể đào lấy củ sau khi trồng 1 năm trở lên. Nếu chưa dùng ngay thì tách ra từng củ, rũ sạch đất, để nguyên cả rễ và lớp vỏ khô ở ngoài, cắt bỏ phần thân lá, để trong cát ẩm hay chỗ mát cho củ lâu khô (chỉ để được vài tháng). Nếu dùng ngay thì rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, tán bột hoặc để nguyên miếng.

Thành phần hoá học: Người ta đã tìm thấy 4 chất trong củ là Eleutherin, Isoeleuthrin, Eleutherola và một hoạt chất khác chưa xác định. Chúng đều có tác dụng kháng sinh với chủng Staphylococcus aureus.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt nhạt, tính hơi ấm; có tác dụng tư âm dưỡng huyết, chỉ huyết sinh co, chỉ khái.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị thiếu máu, vàng da, hoa mắt, chóng vàng nhức đầu, mệt mỏi, băng huyết, ho ra máu, thương tích lưu huyết, ho, ho lao, ho gà, viêm họng cấp và mạn, tê bại do thiếu dinh dưỡng, đinh nhọt, viêm da, lở ngứa, chốc đầu trẻ em, tổ đỉa, vẩy nến. Ngày dùng 4-12g, dạng thuốc sắc hay thuốc hãm. Dùng ngoài, giã đắp.

Sâm đại hành thường được dùng ngâm rượu uống làm thuốc bổ, trị xanh xao, thiếu máu. Nấu thành cao đặc rồi luyện viên uống sát trùng; chữa chàm, chốc và bệnh ngoài da. 

Bên ngoài, dùng thuốc mỡ Sâm đại hành 10% hoặc cồn Sâm đại hành 20% để bôi. Sâm đại hành đã phơi khô, sao qua, hãm uống làm thuốc an thần, gây ngủ. 

Bột của nó dùng cầm máu, dùng uống trong trị ho, ho lao, thường phối hợp với Rẻ quạt làm thuốc uống trị ho, viêm họng.

3. Hình ảnh Cây Sâm Đại Hành - Eleutherine Bulbosa

Theo dược lý hiện đại, sâm đại hành kháng với một số vi khuẩn gây viêm đường hô hấp và đường ruột, kích thích tiêu hóa, an thần. Theo YHCT, sâm đại hành có vị ngọt nhạt hơi hắc, tính ấm, không độc. Tác dụng bổ huyết, tiêu độc, sinh cơ, thông huyết, an thần..., dùng làm thuốc bổ huyết, giúp tiêu hóa, ăn kém, ngủ khó, mụn nhọt, tổ đỉa, vảy nến, ho viêm phế quản, sang thương ứ huyết, phong thấp đau khớp, dùng dưới dạng thuốc sắc uống hoặc ngâm rượu uống.

Cây Sâm Đại Hành

4. Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có dùng sâm đại hành đơn giản hiệu nghiệm như:

Chữa mụn nhọt lở ngứa: sâm đại hành, bồ công anh, kim ngân mỗi vị 14-18g, sắc uống.

Chữa đau lưng hoặc khớp sưng đau: sâm đại hành xào với rượu đầm vào túi vải mỏng đắp.

Chữa rắn cắn: sâm đại hành giã sống vắt nước uống bã đắp ngoài.

Trị mụn nhọt chốc lở: sâm đại hành, kim ngân hoa, thương nhĩ tử mỗi loại 12g, sắc uống ngày 1 thang.

Chữa chàm, chốc đầu: sâm đại hành nấu thành cao đặc rồi luyện viên uống ngày 12-14g, đồng thời sắc đặc bôi ngoài.

Chữa mất ngủ, thiếu máu: sâm đại hành 30g, lạc tiên 14g. Sắc uống.

Chữa ho viêm họng: sâm đại hành, rẻ quạt khô mỗi vị 14g. Sắc uống.

Chữa khớp sưng do sang thương: sâm đại hành tươi 50g, giã dập xào với dấm đắp lên khớp đau bó lại, ngày 1-2 lần.

5. Cách Ngâm Rượu Sâm Đại Hành Chữa Đau Lưng, Mỏi Gối, Kém Ăn Mệt Mỏi

Công thức ngâm rượu sâm đại hành được thực hiện như sau:

Công thức 1

Sâm đại hành sau khi thu hoạch, lấy phần củ rửa sạch, bóc lớp vỏ bên ngoài, thái mỏng phơi khô và đem ngâm rượu theo tỷ lệ: 1kg sâm đại hành khô thì ngâm với 6 lít rượu trắng.

Ngâm trong khoảng 15 ngày là có thể sử dụng được. Rượu sâm chất lượng là rượu sau khi ngâm có màu đỏ tươi của củ sâm và mùi thơm dễ uống.

Cách sử dụng rượu này mỗi lần uống 1 ly nhỏ khoảng 30ml, mỗi ngày uống hai lần trước các bữa ăn chính và uống liên tục trong 1 tháng.

Công thức 2

Công thức ngâm rượu sâm đại hành khi kết hợp thêm một số vị khác như sau: Sâm đại hành 20g, Đẳng sâm 20g, Sinh địa 20g, Đương qui 20g, Hoàng kỳ 20g, Lộc nhung 15g, Câu kỷ tử 15g, Đỗ trọng 10g, Bạch truật 10g, Nhục quế 5g, Đại hồi 5g, Đại táo 10 quả. Tất cả đem ngâm với 2 lít rượu trắng 400. Mỗi lần uống 1 ly nhỏ trước bữa ăn.

Đây chính là công thức ngâm rượu bổ để trị đau lưng, đau nhức chân tay, mỏi gối, kém ăn, người mệt mỏi…Tuỳ theo thể trạng và chứng bệnh mà mình mắc phải, hãy tự tay ngâm cho mình một bình rượu sâm đại hành thơm ngon và tốt cho sức khoẻ các bạn nhé!

Sâm đại hành dùng ở dạng tươi hoặc khô, sắc nước uống, ngâm rượu hoặc tán bột đều có thể sử dụng được. Trong đó phương pháp ngâm rượu được sử dụng nhiều nhất vì có thể bảo quản được lâu và tiện lợi.

Sâm Đại Hành

6. Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây Sâm đại hành (Eleutherine Bullbosa )

Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây Sâm đại hành (Eleutherine Bullbosa (Miller) URB)

Nội dung đề tài: Trình bày tổng quan về cây Sâm đại hành. Điều chế và khảo sát hoạt tính sinh học các cặn chiết của cây Sâm đại hành. Phân lập và xác định cấu trúc hóa học các hợp chất từ cặn chiết có hoạt tính của cây Sâm đại hành.

Tác giả: Thị Phương Ngọ

Người cộng tác: Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Xuất bản: 2013