Cây dược liệu cây Dâu rượu, Thanh mai - Myrica esculenta Buch

Theo Đông Y Quả có vị chua ngọt và thơm, có tác dụng bổ phổi và dịu đau dạ dày, làm lợi trung tiện. Trong y học, người ta thường dùng quả chữa rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy và lỵ. Hạt được sử dụng chữa chứng ra mồ hôi liên tục ở chân; vỏ thân và vỏ rễ sắc uống dùng điều trị đụng giập, loét, các bệnh về da và ngộ độc arsenic.

1. Cây Dâu rượu, Thanh mai - Myrica esculenta Buch. – Ham. ex D. Don (M. sapida Wall.), thuộc họ Dâu rượu - Myricaceae.

Thanh mai hay dâu rượu (Tên khoa học: Myrica esculenta) là loài thực vật bản địa của Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc (tây bắc Quảng Đông, Quảng Tây, tây và nam Quý Châu, nam Tứ Xuyên, Vân Nam), Bhutan, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam. Loài này được Buch.-Ham. ex D. Don miêu tả khoa học đầu tiên năm 1825.

Mô tả: Cây gỗ hay cây nhỡ; cành có lông tơ. Lá hình ngọn giáo thuôn dài, thon hẹp ở gốc, đầu nhọn hay có mũi nhiều hay ít, dài 13cm, rộng 4-5cm, nhẵn, nguyên, có khi có răng về phía đầu lá; mép lá hơi cuốn xuống phía dưới; cuống lá phẳng ở trên, có lông tơ xám, dài 2-10mm. Hoa khác gốc; bông đuôi sóc đực mảnh, mọc đứng hay thòng, hơi thưa hoa; bông đuôi sóc cái mọc đứng ít hay nhiều, dài 1-5cm. Quả hạch hơi dẹt, dài 10-15mm, khi chín màu đỏ, có 2 hàng lông, màu hung và nhiều núm nạc mọng nước. Hạch rất dày và rất cứng.

Hoa tháng 11-1, quả tháng 3-5.

Qủa Thanh mai

2. Thông tin mô tả Công dụng và tác dụng, Dược Liệu

Bộ phận dùng: Quả, hạt, vỏ thân, vỏ rễ - Fructus, Semen, Cortex et cortex Radicis Myricae.

Nơi sống và thu hái: Cây hình như phổ biến với nhiều thứ khác nhau ở Việt Nam, nhất là ở tỉnh Lâm Đồng (Núi Langbian) và ở tỉnh Quảng Bình. Còn phân bố ở Ấn Độ, Malaixia, Nam Trung Quốc, Nhật Bản. Người ta thu hái các bộ phận của cây quanh năm.

Tính vị, tác dụng: Quả có vị chua ngọt và thơm, có tác dụng bổ phổi và dịu đau dạ dày, làm lợi trung tiện.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả dâu rượu ăn được và dùng làm mát. Thứ Dâu rượu của Bắc Bộ Việt Nam mọc hoang trong rừng và được bán với tên Thanh mai; còn thứ Dâu rượu của núi Langbian thì quả nhỏ hơn và cũng ăn được. Ở Quảng Bình, người ta dùng quả tươi cho lên men chế rượu dâu dùng uống tốt thay các loại nước lên men; cũng có thể dùng quả khô để chế nước uống riêng. Trong y học, người ta thường dùng quả chữa rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy và lỵ. Hạt được sử dụng chữa chứng ra mồ hôi liên tục ở chân; vỏ thân và vỏ rễ sắc uống dùng điều trị đụng giập, loét, các bệnh về da và ngộ độc arsenic.

3. Cách ngâm đường quả Thanh Mai ngon

Thanh mai quả này là đặc sản ở vùng đất Lào Cai và Quảng Ninh. Mùa quả chỉ chỉ kéo dài khoảng từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6 hàng năm. Quả có vị chua dịu. 

Thanh mai thường được ngâm với đường cho lên men rồi pha ra uống giải nhiệt, thích hợp với mùa hè trời oi nóng. Những người thích vị chua nhẹ có thể rửa sạch quả để ăn ngay.

Cách làm thanh mai ngâm đường: thông thường ngâm với tỷ lệ 1:1, nghĩa là 1 cân đường dùng ngâm 1 kg thanh mai.

Quả rửa nhẹ nhàng tránh làm dập, rồi ngâm qua nước muối loãng (5%) chừng 20 phút để cho sạch và nếu có sâu, sâu sẽ nổi lên.

Sau đó, để thật ráo nước rồi ướp tựa như làm siro mơ: rải 1 lớp đường, 1 lớp thanh mai, ngâm trong lọ thủy tinh. Khi hoàn thành, cho 1 thìa cà phê muối tinh cho vị đậm hơn và tránh bị nổi váng trắng. Khi đường tan hết, dịch quả thẩm thấu ra là có thể sử dụng. Trong quá trình ngâm, quả sẽ lên men, nên thỉnh thoảng cần mở nắp lọ cho xả bớt hơi.