1. Cây Cù dòm, Củ gà ấp - Stephania dielsiana Y.C. Wu, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.
Mô tả: Cây thảo leo, có củ thuôn dài hơn củ Bình vôi, mọc nổi, ngang mặt đất, hình giống tư thế con gà mái đang ấp trứng, củ cắt ngang có màu vàng rõ hơn, ít xơ hơn, có vị đắng và tê hơn so với củ Bình vôi. Phiến lá hình khiên; nửa cuống lá phía dính vào phiến lá và gân lá mặt sau có màu tím hay tím hồng.
CỦ DÒM Stephania dielsiana C.Y. Wu, 1940. Họ: Tiết dê Menispermaceae Bộ: Mao lương Ranunculales
2. Mô tả cây Cù dòm, Củ gà ấp
Đặc điểm nhận dạng:
Dây leo nhỏ, sống nhiều năm. Rễ củ to; thân leo cuốn, dài khoảng 3m; thân non màu tím hồng nhạt. Toàn cây không lông. Lá đơn nguyên, mọc so le, có cuống dài 4,5 - 8,5 cm. Phiến lá hình tam giác tròn, 9 - 13 x 8 - 13,5 cm; mép lá hơi lượn sóng hoặc có răng tù rất thưa ở phía ngọn; chóp lá nhọn, gốc bằng hoặc hơi lõm, gân chính xếp dạng chân vịt, xuất phát từ chỗ đính của cuống lá. Ngọn non, cuống lá và cuống cụm hoa có dịch màu tím hồng. Hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa đực do 3 - 5 xim nhỏ họp thành xim tán kép. Hoa nhỏ, có cuống ngắn, 6 lá đài màu tím xếp 2 vòng, 3 cánh hoa hình quạt tròn, màu vàng cam; cột nhị ngắn, bao phấn dính thành đĩa 6 ô. Cụm hoa cái gồm 7 - 8 đầu nhỏ, cuống rất ngắn, xếp thành dạng đầu. Hoa nhỏ, 1 lá đài màu tím hồng, 2 cánh hoa hình quạt tròn màu vàng cam và có các vân tím. Bầu hình trứng, đầu nhuỵ có 4 - 5 thuỳ dạng dùi. Quả hình trứng đảo, hơi dẹt 0,8 - 0,9 x 0,7 - 0,75 cm. Hạt hình trứng ngược cụt đầu, có lỗ thủng ở giữa, trên lưng hạt có 4 hàng gai nhọn, cong.
Sinh học và sinh thái:
Mùa hoa tháng 4 - 5, quả tháng 6 - 7. Mọc chồi thân hoặc từ cổ rễ vào đầu mùa xuân. Sau khi bị chặt phá, phần còn lại vẫn có khả năng tái sinh. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu bóng. Thường mọc ở rừng kín thường xanh ẩm đã trở nên thứ sinh; đôi khi cũng gặp ở rừng núi đá vôi (Tuyên Quang), ở độ cao 300 - 600 m.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang (Na Hang, Chiêm Hoá), Bắc Kạn, Thái Nguyên (Đại Từ, Tam Đảo), Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tây (Ba Vì), Quảng Nam (Trà My: Trà Mai, Trà Giác).
Thế giới: Trung Quốc.
3. Thông tin mô tả công dụng, tác dụng, của Dược Liệu
Bộ phận dùng: Củ - Radix Stephaniae Dielsianae.
Nơi sống và thu hái: Củ dòm có thể sống cả ở vùng núi đá lẫn rừng núi đất, cả ở nơi có nhiều đá lộ đầu, thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Tây, Hà Bắc, Quảng Ninh. Còn phân bố ở Trung Quốc.
Thành phần hoá học: Có alcaloid là L-tetrahydropalmitin như trong củ Bình vôi.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, gây tê, có tác dụng lợi tiểu, giảm đau, tiêu viêm, an thần.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dùng uống chữa đau lưng, mỏi nhức chân, đau lưng, đau bụng, lại giúp ngủ rất say. Còn dùng đắp chỗ sưng bắp chuối, nhọt cứng, apxe do tiêm. Người ta thường giã lẫn với muối và gừng. Cũng dùng cho gia súc (trâu bò) uống mỗi khi chúng kén ăn, chê cỏ. Nhân dân ở Bắc Thái, Hà Tây thường dùng củ thái nhỏ nấu nước uống chữa kiết lỵ ra máu, đau bụng kinh niên và đau dạ dày. Nói chung, công dụng của loài này cũng tương tự như Bình vôi.
4. Xem thêm hình ảnh khác
Loài tương đối hiếm ở Việt Nam. Rễ củ dùng làm thuốc kiên vị, chỉ thống; trị phù thũng, giải độc, đau xương khớp. Rễ củ có hoạt chất có tác dụng an thần, giảm đau.
Tình trạng: Các điểm phân bố rải rác, số lượng cá thể không nhiều. Đã bị khai thác cùng với các loài bình vôi khác cùng chi. Đặc biệt là ở vùng Nà Hang, Chiêm Hoá (Tuyên Quang), Củ Dòm được đồng bào người dân tộc Tày và Dao coi là cây thuốc quý, thường được tìm kiếm, khai thác. Nạn phá rừng cũng trực tiếp làm thu hẹp phân bố.
Stephania dielsiana là một loài thực vật có hoa trong họ Biển bức cát. Loài này được Y.C. Wu miêu tả khoa học đầu tiên năm 1940.