Cây dược liệu cây Trầm, Trầm hương, Trầm dó - Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte

Theo Đông Y , trầm hương tính ôn, vị thơm, cay; vào các kinh thận, tỳ, vị; có tác dụng giáng khí, làm ấm thận, tráng nguyên dương, giảm đau và an thần. Nó thường được dùng điều trị các chứng đau ngực, đau bụng, nấc, nôn, hen suyễn, thận khí hư, bí tiểu tiện, nam giới tinh lạnh.

1. Cây Trầm, Trầm hương, Trầm dó - Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte, thuộc họ Trầm - Thymelaeaceae.

Trầm hay trầm hương, trầm dó, dó bầu, dó núi (Tên khoa học: Aquilaria crassna) là một loài thực vật thuộc họ Trầm. Loài này phân bố ở Đông Nam Á và đảo New Guinea. Tại Việt Nam, cây trầm phân bố ở Hà Giang đến Phú Quốc

Hình ảnh hoa cây Trầm

2. Thông tin mô tả chi tiết Dược Liệu Trầm

Mô tả: Cây gỗ cao 30-40m. Vỏ thân màu xám tro. Lá mỏng, mọc so le, chóp và gốc thuôn nhọn, mặt dưới nhạt có lông. Cụm hoa hình tán, mọc ở nách lá gần ngọn. Hoa màu trắng xám. Quả nang hình quả lê, có lông, nứt thành 2 mảnh, chứa 1 hạt. (ảnh số 708).

Bộ phận dùng: Gỗ thân - Lignum Aquilariae Resinatum, thường có tên là Trầm hương.

Nơi sống và thu hái: Trầm mọc hoang ở những vùng rừng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam - Ðà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, cho tới An Giang, Kiên Giang.

Người ta sử dụng phần gỗ đã hoá trầm ở những cây già hay cây bị bệnh do có loài nấm Cryptosphaerica mangifera gây nhiễm. Trầm hương có hình dáng kích thước không nhất định nhưng đều có mùi thơm, nhất là khi đốt. Khi dùng làm thuốc người ta chẻ thành mảnh nhỏ, phơi trong râm mát cho khô, rồi tán bột mịn.

Thành phần hoá học: Có tinh dầu mà thành phần chủ yếu là benzylaceton 26% metoxybenzalaceton 53% và terpen alcol 11%, còn có acid cinamic và các dẫn xuất của nó.

ở loài Bạch mộc hương của Trung Quốc- Aquilaria simensis (Lour.) Gilg., trong tinh dầu có agarospirol, baimuxianic acid, baimuxianal.

Tính vị, tác dụng: Gỗ Trầm có vị cay, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng giáng khí, bổ nguyên dương, hạ đờm. Có tác giả cho là nó bổ thận khí, tăng cường chức năng liễm nạp khí xuống và thêm sức vận hoả của tỳ thận. Ở Thái Lan, gỗ Trầm được xem như có tác dụng trợ tim, bổ huyết, lợi tiêu hoá, trừ ỉa chảy, chống nôn và hạ sốt.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị nôn mửa, đau bụng, cấm khẩu, khí nghịch khó thở, người già hư yếu hen suyễn thở dốc, bệnh nguy phát nấc không ngớt. Liều dùng 2-4g dạng thuốc sắc hay hoàn tán, hoặc mài uống. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Ðơn thuốc:

1. Hen khí quản: Trầm hương 1,5g, Trắc bách diệp 3g, tán bột và uống trước khi đi ngủ. Người âm hư hoả vượng không nên dùng.

2. Chữa bệnh do xúc động tinh thần, khí dồn lên thở gấp, buồn bực ăn không được; Trầm hương, Nhân sâm, Ô dược, Hạt cau đều 6g sắc uống.

3. Chữa bệnh nặng phát nấc hay nôn ói: Trầm hương, Ðậu khấu, hạt Tía tô, lượng bằng nhau, mỗi vị 4-6g sắc uống.

3. Dược Liệu Trầm Hương

Theo lương y Huỳnh Văn Quang ở TP HCM, trầm hương, kỳ hương (kỳ nam) từ gỗ thân già mục của cây trầm gió chuyển hóa mà thành; hoặc do một loại nấm gây nhiễm mục nát thân cây trầm gió rồi chuyển hóa tạo nên.

Cũng có giả thuyết cho rằng, thân cây gió bị bọng, những con ong, con kiến làm tổ ở đó, đưa mật về ăn. Hương mật ấy ngấm vào thịt của cây gió lâu ngày mà kết thành kỳ nam.

Đông y phân loại trầm tốt xấu bằng cách: Nếu cho vào nước, trầm chìm xuống tận đáy là trầm tốt nhất; bỏ vào nước mà lơ lửng, không chìm, không nổi là trầm loại 2; còn trầm loại 3 là loại nổi trên mặt nước. Đông y thường dùng trầm loại 2 làm thuốc (vì loại 1 có giá rất cao).

Kỳ hương được phân ra làm những loại: hắc kỳ (có màu đen, là loại đắt tiền nhất); thanh kỳ (màu xanh xanh, còn gọi là hoàng kỳ) và bạch kỳ (màu trắng đục). Trầm loại tốt có sắc đen, bóng, nặng trịch như khối sắt. Kỳ cũng nặng vậy, nhưng thường có tinh dầu rịn ra bên ngoài ươn ướt. Trên thị trường, có khi người ta giả trầm "xịn" bằng cách, lấy trầm loại 3 khoan một lỗ thật sâu chế chì vào trong đó và bít lại, rồi xoa tinh dầu trầm, đánh bóng. Không rành rất khó mà nhận biết.

Hình ảnh Trầm Hương