Thạc sĩ Bá Thị Châm cùng đồng nghiệp tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, giới thiệu phương pháp mới hỗ trợ điều trị tiểu đường, mỡ máu và giảm cân bằng thảo dược.
Theo đó, các nhà nghiên cứu sản xuất thành công nano dây thìa canh và nano lá sen, đưa công nghệ vào cây cỏ quanh ta. Phương pháp này được thực hiện bằng bộ 3 công nghệ hiện đại, gồm lên men, chiết xuất chọn lọc và nano hóa.
Thạc sĩ Bá Thị Châm, nhà khoa học nữ tâm huyết và sáng tạo với cây thuốc nước nhà.
Thảo dược có sẵn quanh ta
Trong thực tế, tiểu đường và mỡ máu là các bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, nên ngoài việc điều trị bằng tây y thì cần kết hợp nâng cao nhận thức, chăm sóc bệnh nhân tiểu đường, mỡ máu theo giải pháp dinh dưỡng, tập luyện, y học cổ truyền, thảo dược.
GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam cho biết: “Khi đã xác định là bệnh mạn tính thì chăm sóc chủ động của bản thân người bệnh, gia đình và tại cộng đồng là yếu tố quyết định tới thể chất, tinh thần và tuổi thọ của người bệnh.”
Trên thế giới, xu hướng sử dụng liệu pháp trên hay gọi tắt là CAM trong điều trị bệnh tiểu đường đã tăng lên từ 30% đến 57%. Tại Mỹ, có gần 3,6 triệu bệnh nhân, ở Úc và Anh ghi nhận 46% bệnh nhân tiểu đường có sử dụng liệu pháp CAM.
Dây thìa canh đã được khoa học chứng minh công dụng hạ đường huyết, nhưng thải trừ nhanh, sinh khả dụng thấp nên khó mang lại hiệu quả tối ưu nếu sử dụng ở dạng cao khô hay chiết xuất thông thường. Với lá sen cũng vậy, hoạt chất có trong lá sen ít tan trong nước, khó hấp thu vào máu, dẫn tới sinh khả dụng thấp.
Trước thực tế đó, Thạc sĩ Bá Thị Châm cùng nhóm nghiên cứu của mình cho biết, nano dây thìa canh và lá sen được ứng dụng bộ 3 công nghệ hiện đại gồm chiết xuất chọn lọc tinh chất, lên men làm giàu hoạt chất và tạo hạt nano sinh học từ vỏ bọc chitosan.
Đưa công nghệ vào y học cổ truyền
Chia sẻ về công nghệ của nhóm, ThS. Châm cho biết: “Acid Gymnemic, hoạt chất chính có tác dụng hạ đường huyết trong dây thìa canh tuy tan tốt trong nước nhưng nhanh bị thải trừ, sinh khả dụng rất thấp chỉ 14%, nên dùng công nghệ nano để giải phóng hoạt chất từ từ, kéo dài thời gian tác dụng.
Ngoài ra, trong dây thìa canh còn có Beta-amyrin, Lupeol, giúp hạn chế hấp thu đường tại ruột, nhưng lại khó tan, nên tạo hạt nano sẽ giúp tăng độ tan, hấp thu tốt vào máu và tối ưu được tác dụng của nhóm chất này.”
Nhà nữ khoa học còn cho biết thêm với lá sen, sử dụng đồng thời 3 công nghệ bào chế, chiết xuất chọn lọc loại bỏ alkaloid, để tạo dịch chiết chỉ có flavonoid. Sau đó lên men thủy phân, chuyển Kaempferol glucozid thành Kaempferol dạng tự do có hoạt tính giảm béo, mỡ máu mạnh hơn.
Ở giai đoạn cuối cùng, nhóm sẽ nano hóa các nhóm Flavonoid trong lá sen vì chúng kém tan trong nước, khó hấp thu vào máu nếu dùng dịch chiết thông thường.
Giải pháp ứng dụng bộ 3 công nghệ này cũng góp phần loại bỏ tối đa tạp chất không mong muốn có trong thảo dược, đồng thời thu được nhiều hoạt chất tốt khi lên men và làm tăng tính tan của hoạt chất, từ đó làm tăng khả năng hấp thu của cơ thể, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tiểu đường, mỡ máu.
Ở các nước tuy sử dụng công nghệ nano khá tốt nhưng lại không có lợi thế như ở Việt Nam, bởi trong nước có nhiều loài thảo dược quý. Các nhà khoa học đã tận dụng những ưu thế này để kết hợp khéo léo với việc lên men, chiết xuất chọn lọc và nano hóa từ những thảo dược tốt của Việt Nam để bào chế ra được những sản phẩm tốt cho cộng đồng.
Với mong muốn mang các thành tựu nghiên cứu trong suốt 20 năm giúp bệnh nhân tiểu đường, mỡ máu sống vui khỏe, ThS. Bá Thị Châm đã ký kết hợp tác chuyển giao nguồn nguyên liệu nano dây thìa canh, nano lá sen cho công ty dược để sản xuất đại trà.
Theo khám phá