Sự khác biệt về hương vị, màu sắc
Cá hồi được nuôi trong trang trại thường có nguồn gốc từ Đại Tây Dương và sau đó được ấp, nuôi và thu hoạch trong môi trường được kiểm soát. Mặt khác, cá hồi đánh bắt tự nhiên được khai thác từ Thái Bình Dương chủ yếu trong những tháng mùa hè. Do đó, cá hồi nuôi có thể tươi quanh năm và đôi khi nó giá cũng rẻ hơn cá hồi tự nhiên. Vì cá hồi tự nhiên thường chỉ có thể được mua tươi từ tháng 6 đến tháng 9, trừ khi đông lạnh.
Về hương vị, vì môi trường sống của mỗi loại cá hồi khác nhau nên hương vị của mỗi loại cũng rất dễ phân biệt. Cá hồi đánh bắt tự nhiên có hương vị cá hồi đậm đà hơn và thường là loại cá săn chắc, nhiều nạc và ít béo hơn. Cá hồi nuôi trong trang trại có hàm lượng chất béo cao hơn, lớp mỡ vân dày hơn, ít săn chắc hơn và có hương vị nhẹ nhàng hơn.
Về màu sắc, cá hồi nuôi thường được nông dân cho ăn các thức ăn có chứa ngô, ngũ cốc và một hợp chất gọi là astaxanthin, chất làm cho thịt có màu cam. Cá hồi hoang dã tự nhiên có màu hồng đậm vì chế độ ăn của chúng bao gồm các loài giáp xác, tảo và các nguồn khác giàu carotenoid (sắc tố đỏ từ thực vật).
Mặc dù hiện đang có những nghiên cứu đang được thực hiện để xác định bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào của astaxanthin tổng hợp đối với sức khỏe, tuy nhiên nó hiện được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) coi là an toàn để ăn, theo Eatthis.
Cá hồi tự nhiên màu đậm hơn, thịt nạc hơn và ít mỡ.
Sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng
Cá hồi nuôi được cho ăn thức ăn cho cá đã qua chế biến, trong khi cá hồi tự nhiên ăn nhiều động vật không xương sống khác nhau. Vì lý do này, thành phần dinh dưỡng của cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi khác nhau rất nhiều.
Bảng dưới đây cung cấp sự khác biệt về hàm lượng calo, protein và chất béo, vitamin, khoáng chất giữa cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên.
Rõ ràng, sự khác biệt về dinh dưỡng giữa cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi là đáng kể. Cá hồi nuôi có nhiều chất béo hơn, chứa nhiều omega-3 hơn một chút, nhiều omega-6 hơn và lượng chất béo bão hòa gấp ba lần so với cá hồi tự nhiên. Nó cũng có nhiều calo hơn 46%, chủ yếu là từ chất béo. Ngược lại, cá hồi tự nhiên có nhiều khoáng chất hơn, bao gồm kali, kẽm và sắt, theo Healthline.
Bảng so sánh về giá trị dinh dưỡng của cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên.
Những điều cần chú ý khi ăn cá nuôi
Cá có xu hướng ăn các chất gây ô nhiễm có hại từ nguồn nước mà chúng sinh sống và thức ăn chúng ăn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, cá hồi nuôi có nồng độ chất gây ô nhiễm cao hơn nhiều so với cá hồi tự nhiên. Một số chất gây ô nhiễm bao gồm polychlorinated biphenyls (PCB), dioxin và một số loại thuốc trừ sâu được khử trùng bằng clo. Chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất được tìm thấy trong cá hồi là PCB, có liên quan chặt chẽ đến bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
Mặt khác, do mật độ cá trong nuôi trồng cao, cá nuôi nhìn chung dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật hơn cá tự nhiên. Để giải quyết vấn đề này, thuốc kháng sinh thường được thêm vào thức ăn cho cá.
Sử dụng kháng sinh không được kiểm soát và thiếu trách nhiệm là một vấn đề trong ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh không những ảnh hưởng đến môi trường mà còn là vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng, việc cá có nhiễm thuốc kháng sinh có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.
Việc lạm dụng kháng sinh quá mức trong nuôi trồng thủy sản cũng thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn cá, làm tăng nguy cơ kháng thuốc ở vi khuẩn đường ruột của con người thông qua chuyển gen.
Mặc dù những chất gây ô nhiễm này có vẻ an toàn cho người bình thường tiêu thụ ở một lượng vừa phải. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn một số chuyên gia khuyến cáo rằng, trẻ em và phụ nữ mang thai chỉ ăn cá hồi đánh bắt tự nhiên, theo Healthline.