Thông tin đặc điểm cây Râu Mèo
Tên khác: Cây Bông bạc
Tên tiếng Việt: Râu mèo xoắn
Tên khoa học: Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr.
Tên khác: Plectranthus spiralis Lour.; Ocimum aristatus Blume; Orthosiphon aristatus (Blume) Miq.; O. stamineus Benth.; Clerodendron spicatum Thunb.; Clerodendranthus spicatus (Thunb.) C. Y. Wu; C. stamineus (Benth.) Kudo;
Họ: Bạc hà (Lamiaceae)
Tên nước ngoài: Orthosiphon, Thé de Java, Barbiflore, Moustache de chat (Pháp).
Mẫu thu hái tại: Mẫu thu hái vào tháng 04 năm 2009, tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Cỏ cao khoảng 0,6 m. Tiết diện thân vuông, màu xanh ở thân thật non, thân già có 2 cạnh màu xanh và 2 cạnh màu tím ; có ít lông ngắn màu tím, ở mấu có nhiều lông hơn. Lá đơn, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá hình trứng, đầu nhọn, gốc hình chót buồm ; màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới, kích thước 3 – 7 x 2 – 4 cm, bìa phiến có răng cưa rõ ở khoảng 2/3 về phía trên, có ít lông nằm ngắn, màu tím trên gân lá ở cả 2 mặt. Cuống lá lõm ở mặt trên, lồi ở mặt dưới, dài 1 - 4 cm, màu tím ở mặt trên, màu xanh ở mặt dưới, có nhiều lông màu tím và nhiều hơn ở mặt trên. Cụm hoa: mỗi mấu có 2 xim co 3 hoa mọc đối tạo thành vòng giả, các vòng giả hợp thành gié giả ở ngọn cành ; trục cụm hoa dài 16 cm, tiết diện vuông, màu xanh tím nhạt, có sọc dọc và có lông màu tím. Mỗi xim co 3 hoa mọc ở nách một lá nhỏ hình tim màu xanh, kích thước 2 x 2 mm, có lông màu tím và có 1 gân ở giữa. Hoa không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ, dài 3 – 4 mm, màu tím xanh, có lông màu tím. Lá đài 5, không đều, màu xanh lục, dính nhau phía dưới thành ống ngắn 2 mm, trên chia 2 môi 1/4. Môi trên hình trứng, kích thước 5 x 3 mm, mép có lông màu tím. Môi dưới : đỉnh có 4 răng nhỏ, 2 lá đài bên có kích thước 4,5 x 3 mm, 2 lá đài còn lại có kích thước 4,5 x 1,5 mm; các lá đài có 3 gân dọc và nhiều lông màu trắng. Tiền khai lợp. Cánh hoa 5, không đều, màu trắng, dính nhau phía dưới tạo thành ống hình trụ cao 1cm, phía trên chia 2 môi 4/1. Môi trên do 4 cánh hoa tạo thành: 2 cánh ở phía sau dạng thuôn dài có kích thước 5 x 1mm, 2 cánh 2 bên hình bầu dục có kích thước 5 x 2mm. Môi dưới bầu dục khum đỉnh nhọn, kích thước 5 x 3 mm. Mặt ngoài cánh hoa có nhiều lông màu trắng, đỉnh có ít lông màu tím. Tiền khai lợp. Nhị 4, không đều, rời, 2 nhị dài, 2 nhị ngắn, đính 1 vòng trên ống tràng xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dạng sợi, nhẵn, màu trắng, khoảng 2-3 mm ở đỉnh có màu tím, nhị ngắn dài 19 mm, nhị dài dài 21 mm . Bao phấn hình thận, màu tím, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Hạt phấn hình cầu, rời, màu tím, có 2 – 3 rãnh dọc và có vân hình mạng, kích thước 67,5 – 75 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên 2 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ. Bầu màu trắng xanh, chia 4 thùy. 1 vòi nhụy dạng sợi màu trắng, nhẵn, dài 4 cm, 2 – 3 mm phía đỉnh có màu tím, đính gần đáy bầu. 1 đầu nhụy hình chùy, màu tím đậm. Đĩa mật dạng khoen màu trắng, hơi nhô lên phía cánh hoa giữa.
Hoa thức và Hoa đồ:
Tiêu bản:
Đặc điểm giải phẫu:
Vi phẫu thân
Vi phẫu hình vuông. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau; rải rác có lỗ khí, lông che chở đơn bào ngắn, lông che chở đa bào (2 - 5 tế bào), trên bề mặt lông che chở có những vân dọc ngắn hay nốt sần. Có 3 loại lông tiết: lông tiết chân đơn bào đầu đơn bào; lông tiết chân đơn bào, đầu 2 tế bào hình tròn; lông tiết chân đơn bào đầu đa bào (4 tế bào). Mô dày góc không liên tục tế bào đa giác hoặc bầu dục kích thước không đều nhau, tập trung nhiều ở 4 góc thân (3 – 6 lớp tế bào), ít ở cạnh (1 – 2 lớp tế bào). Mô mềm vỏ khuyết tế bào đa giác hoặc bầu dục kích thước không đều nhau, lớn gấp 1,5 lần tế bào biểu bì. Trụ bì hóa mô cứng thành từng cụm, 2 – 5 lớp tế bào đa giác, kích thước bằng 1/3 – 1/6 tế bào mô mềm khuyết. Hệ thống dẫn kiểu hậu thể gián đoạn. Libe 1 xếp thành từng cụm; libe 2, 4 -5 lớp tế bào xếp xuyên tâm, vách hơi uốn lượn. Mạch gỗ 2 tròn hay đa giác, xếp lộn xộn, tập trung nhiều ở 4 góc vi phẫu, rất ít ở cạnh. Mô mềm gỗ 2 tế bào đa giác vách dày hay mỏng. Tia tủy 1 – 2 dãy tế bào vách mỏng. Gỗ 1 tập trung nhiều ở 4 góc vi phẫu (5 – 7 bó), rải rác ở cạnh (1 bó). Mô mềm tủy đạo, tế bào đa giác kích thước không đều nhau, lớn gấp 3 – 4 lần tế bào mô mềm vỏ; 2- 3 lớp tế bào mô mềm tủy dưới gỗ 1 hóa mô cứng, kích thước nhỏ hơn vùng mô mềm tủy còn lại.
Vi phẫu lá
Gân giữa: mặt trên lồi nhiều hơn mặt dưới. Biểu bì là một lớp tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Nhiều lông che chở đơn bào ngắn; lông che chở đa bào (2-5 tế bào), trên bề mặt lông che chở có những nốt sần. Rải rác có nhiều loại lông tiết ở phần lõm của biểu bì: lông tiết chân đơn bào, đầu 4 tế bào; lông tiết chân đơn bào, đầu đơn bào; rất ít lông tiết chân đa bào, đầu đơn bào. Mô dày góc, tế bào hình bầu dục hay hơi đa giác, kích thước không đều nhau, 3-4 lớp ở biểu bì trên, 2-3 lớp ở biểu bì dưới. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc hơi đa giác, kích thước lớn gấp 3-4 lần tế bào mô dày góc. Libe gỗ xếp thành 2 cụm với gỗ ở trên, libe ở dưới; có thể có 1 bó libe gỗ nhỏ phía trên với gỗ trên libe dưới.
Phiến lá: tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới, lỗ khí ở biểu bì dưới nhiều hơn biểu bì trên. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào thuôn dài. Mô mềm khuyết tế bào vách uốn lượn. Trong mô mềm khuyết có thể có các bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới.
Vi phẫu cuống lá
Mặt trên phẳng hoặc hơi lõm, mặt dưới hơi lồi. Biểu bì là một lớp tế bào hình chữ nhật hoặc hơi đa giác xếp khít nhau, rải rác có lỗ khí. Trên biểu bì có lông che chở và lông tiết như vi phẫu thân, mặt trên nhiều hơn mặt dưới. Mô dày góc, 4-5 lớp tế bào hình hơi đa giác hoặc gần tròn ở mặt trên và 3-4 lớp ở mặt dưới. Mô mềm khuyết tế bào gần tròn hoặc hơi đa giác, kích thước không đều nhau, gấp 3-4 lần tế bào mô dày góc. Ở 2 bên cuống lá, dưới lớp biểu bì là 3-4 lớp tế bào mô mềm khuyết chứa lục lạp. Libe gỗ xếp thành 2 cụm với gỗ ở trên và libe ở dưới. Ngoài ra còn có 2 cụm libe gỗ nhỏ ở biểu bì trên với gỗ ở bên trong, libe ở bên ngoài.
Đặc điểm bột dược liệu:
Bột toàn cây mịn, màu xanh lục, có ít xơ.
Thành phần: mảnh biểu bì trên và dưới mang lỗ khí kiểu trực bào. Lông che chở đa bào dài. Lông tiết chân đơn bào, đầu đa bào(4 tế bào). Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch mạng, mạch điểm. Sợi vách dày, không rõ ống trao đổi. Hạt tinh bột hình tròn hay đa giác, tễ rõ hay không rõ.
Phân bố, sinh học và sinh thái:
Râu mèo là cây nhiệt đới điển hình. Ở Việt nam phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi.
Mùa hoa quả: tháng 4-7
Bộ phận dùng:
Toàn cây (Herba Orthosiphonis).
Thành phần hóa học:
Lá Râu mèo chứa một saponin, một alkaloid. Tinh dầu 0,2 – 0,6%, tanin, acid hữu cơ và dầu béo. Lá khô và ngọn tươi có hoa chứa các chất vô cơ khoảng 12% với hàm lượng Kali cao, flavonoid (sinensetin, 3’-hydroxy-3,6,7,4’-tertramethoxy flavon, tetrametylscutelarein), các dẫn xuất của acid cafeic, inositol, phytosterol, saponin, tinh dầu 0,7%. Tinh dầu lá, cành, thân chứa β-caryophylen, β-elemen humulen, β-bourbonen và 1-octen-3-ol, caryophylen oxyd. Ngoài ra cây Râu mèo còn chứa methylripariochromen A, orthosiphol A, carotenoid, β-caroten, neo β-caroten, 3-zeacaroten, và cryptoxanthin.
Tác dụng dược lý - Công dụng:
Theo kinh nghiệm dân gian cây Râu mèo được dùng làm thuốc lợi tiểu trong điều trị viêm thận, sỏi thận, sỏi mật, tê thấp, phù thũng, viêm gan. Tài liệu Ấn Độ coi dịch hãm nước Râu mèo là thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh thận và bàng quang, ngoài ra còn điều trị thấp khớp và gút. Cao lỏng Râu mèo dùng làm thuốc hạ đường huyết.
Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính chống tiểu đường của cây Râu mèo ở Việt Nam
Các nhà khoa học Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên – Viện Hàn lâm KHCNVN đã nghiên cứu chi tiết tác dụng hạ đường huyết của cây Râu mèo (tên khoa học là Orthosiphon stamineus Benth.) và các hợp chất hóa học phân lập được trên mô hình thử nghiệm in vitro ở cấp độ tế bào, từ đó định hướng nghiên cứu phát triển sản phẩm dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Cây Râu mèo (Cat’s whiskers), còn có tên gọi là Râu mèo xoắn, cây Bông bạc, có tên khoa học là Orthosiphon spiralis (Lour) Merr. thuộc họ Hoa môi – Bạc hà (Lamiaceae), và có tên đồng nghĩa là Orthosiphon stamineus Benth.; Orthosiphon aristatus (Blume) Miq. Theo Đông y, Râu mèo có vị ngọt nhạt, đắng nhẹ, tính mát; có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp, dùng làm thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật, trị viêm thận cấp tính và mạn tính, viêm bàng quang, sỏi niệu, và bệnh xung huyết gan, bệnh đường ruột. Ngoài ra, Râu mèo còn được biết đến như một bài thuốc trị các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, và tiểu đường. Trong Đông y, người ta thường dùng Râu mèo để trị một số bệnh như viêm thận cấp và mạn, viêm bàng quang, sỏi niệu, viêm thận phù thũng, sỏi niệu đạo, và bệnh đường tiết niệu.
Ở Việt Nam, cho đến nay các nghiên cứu về loài Râu mèo vẫn còn rất ít, trong đó có một nghiên cứu đánh giá về tính đa dạng di truyền nhờ chỉ thị phân tử và khả năng sinh tổng hợp của hợp chất sinensetin ở loài Râu mèo Việt Nam, được thực hiện bởi Lê Duy Thành (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội). Các nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của Râu mèo ở Việt Nam còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có nghiên cứu nào về thành phần hóa học liên quan đến hoạt tính chống tiểu đường của cây Râu mèo theo hướng tăng cường hấp thu đường máu và ức chế enzyme protein tyrosine phosphatase 1B (PTP1B) được công bố. TS. Nguyễn Phi Hùng và nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (INPC) đã tiến hành đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính chống tiểu đường của cây Râu mèo ở Việt Nam (Orthosiphon stamineus Benth.)” Mã số: VAST.ĐLT.06/17-18, thuộc Chương trình hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm KHCNVN, với mục tiêu nghiên cứu chi tiết thành phần hóa học của cây Râu mèo ở Việt Nam, đồng thời đi sâu nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của cây Râu mèo và các hợp chất hóa học phân lập được trên mô hình thử nghiệm in vitro ở cấp độ tế bào.
Đề tài được thực hiện từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018 và đạt được những kết quả như sau:
1. Định danh được chính xác tên khoa học của mẫu thực vật nghiên cứu là cây Râu mèo xoắn với tên khoa học là Orthosiphon spiralis (Lour) Merr., họ Hoa môi – Bạc hà (Lamiaceae), thuộc ngành thực vật hạt kín, với các tên đồng nghĩa như sau: Orthosiphon stamineus Benth.; Orthosiphon aristatus (Blume) Miq.
2. Từ dịch chiết của cây Râu mèo, bằng các phương pháp sắc ký như: Phương pháp sắc ký lớp mỏng (TLC), Sắc ký lớp mỏng điều chế, Sắc ký cột (CC), Sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) đã phân lập được 40 hợp chất sạch. Cấu trúc hóa học của các hợp chất này được xác định dựa trên cơ sở phân tích các phương pháp phổ như: phổ 1 H-, 13 C-, phổ NMR 2 chiều (COSY, HMQC, HMBC, NOESY), và phổ IR, UV, MS, HR-MS. Trong số đó đã nhận dạng được 01 hợp chất mới.
3. Kết quả về thử nghiệm hoạt tính sinh học đã đánh giá được hoạt tính sinh học của toàn bộ 40 hợp chất phân lập được theo hai hướng tác dụng chính đó là:
+ Khả năng ức chế hoạt lực enzyme PTP1B của 40 hợp chất;
+ Tác dụng tăng cường sự hấp thụ đường 2-NBDG vào tế bào của các hợp chất trên dòng tế bào 3T3- L1.