Thông tin đặc điểm cây Ý Dĩ
Tên khác: Bo bo, Hạt cườm, Cườm gạo, Dĩ mễ, Co đươi (Thái), Mặt pat (Tày)
Tên khoa học: Coix lachryma-jobi L. var. ma-yuen (Rom) Stapf
Họ: Lúa (Poaceae)
Tên nước ngoài: Job’s tears, Gromwell read (Anh), Lame de job, Lame de christ, Larmille (Pháp)
Mẫu thu hái tại: Mẫu thu hái vào tháng 05 năm 2009, tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Tìm hiểu thêm cây thuốc: Cây dược liệu cây Ý dĩ - Coix lachrymajobi L
Cỏ mọc thành bụi, cao 1 – 2 m. Tiết diện thân hơi bầu dục, màu xanh nhạt ở thân non, xanh đậm ở thân già. Phía dưới gốc thân có nhiều rễ hình trụ mọc ra, phần rễ trên mặt đất có màu xanh, phần rễ dưới mặt đất có màu trắng. Lá đơn, mọc cách, phiến lá hình dải dài, gốc tròn, đầu nhọn, kích thước 50 – 65 x 3,5 – 4,5 cm, bìa phiến nguyên, hơi gợn sóng, mặt trên có nhiều lông cứng ngắn. Gân lá song song, gân giữa nổi rõ ở mặt dưới. Bẹ lá hình lòng máng, ôm sát thân, kích thước 13 – 15 x 2 – 2,5 cm, màu xanh nhạt, có nhiều gân dọc song song. Lưỡi nhỏ là 1 màng mỏng màu trắng, đỉnh có những răng cưa nhỏ, cao khoảng 1-1,5 mm. Cụm hoa: các bông chét hợp thành 1 bông giả. Bông giả được mang trên 1 trục tiết diện gần tam giác màu xanh, phình ở đỉnh, dài 7,5 – 8,5 cm, một mặt hơi lõm, một mặt lồi. Mỗi bông giả mang 1 bông chét cái ở gốc và nhiều bông chét đực ở phía trên. Bông chét cái được bao bởi 1 lá bắc rất cứng, hình trứng màu xanh lục, đường kính 0,6 cm, trục của các bông chét đực đi xuyên qua lá bắc này. Đôi khi bông giả chỉ mang các bông chét đực. Trên đoạn mang bông chét đực của bông giả, tại mỗi mấu thường có 1 – 2 bông chét đực không cuống ở cạnh 1 bông chét đực có cuống; cuống dạng sợi màu xanh nhạt, dài 1 mm. Mỗi bông chét đực có 2 mày hình bầu dục đầu nhọn màu xanh. Mày dưới to (kích thước 0,7 x 0,3 cm), có 2 nếp gấp và trên 2 nếp gấp này có răng cưa, bề mặt hơi nhám, có những đường gân dọc song song. Mày trên nhỏ (kích thước 0,7 x 0,2 cm), có 2 nếp gấp và những đường gân dọc song song, phía trong 2 mày là 2 hoa đực đính ở 2 mức khác nhau. Bông chét cái mang 1-2 hoa cái (thường là 1 hoa). Khi bông chét cái có 1 hoa, trên bầu noãn có 1 rãnh sâu; ở rãnh này có 2 bộ phận hình trụ cứng màu trắng xanh, đỉnh màu xanh, dài 0,7 – 0,8 cm ; theo tài liệu thì đây là vết tích của hoa cái bị trụy. Hoa đực: mỗi hoa đực có 2 mày nhỏ hình thuôn nhọn màu trắng xanh, đính ở 2 mức khác nhau; mày nhỏ dưới kích thước 0,6 x 0,25 cm, có 2 tai nhỏ màu trắng cao 0,6 mm; mày nhỏ trên kích thước 0,5 x 0,2 cm, không có tai. Nhị 3 (hiếm khi 1 ), rời, đều. Chỉ nhị dạng sợi màu trắng, dài 0,6 mm Bao phấn hình thuôn dài màu vàng, dài 0,4 cm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn hình cầu màu vàng, rời, kích thước 67,5 – 75 µm. Hoa cái: mỗi hoa cái có 2 mày mỏng màu trắng gần như trong suốt, dài 0,6 cm, nằm ngoài vết tích của hoa cái bị trụy. Lá noãn 2, bầu trên 1 ô, 1 noãn, đính noãn đáy; bầu noãn màu xanh nhạt, có 1 mặt lõm và 1 mặt lồi. 1 vòi nhụy hình sợi màu trắng, dài 0,6 cm. 2 đầu nhụy hình sợi, dài 1,1 cm, màu trắng, có nhiều lông nhỏ. Quả hình trứng hay gần tròn, kích thước 0,3 – 0,5 x 0,2 – 0,4 cm, mặt ngoài màu trắng hay trắng ngà, đôi khi có những đốm màu đỏ nâu.
Ý dĩ hoặc cườm thảo, bo bo, là một loài thực vật nhiệt đới thân cao để lấy hạt trong họ Hòa thảo. Cây có nguồn gốc từ Đông Á và Malaysia bán đảo nhưng được gieo trồng ở nhiều nơi trong ruộng, vườn như là một loại cây một năm. Ý dĩ còn có tên gọi là bo bo nhưng cần chú ý đây không phải là bo bo thời bao cấp.
Hoa thức và Hoa đồ: Tiêu bản:
Nó cũng được sử dụng cùng với các loại cây thuốc khác trong y học cổ truyền Trung Hoa và các nước lân cận dưới tên gọi ý dĩ.
Đặc điểm giải phẫu:
Vi phẫu rễ trên mặt đất
Vi phẫu hình gần tròn. Vết tích tầng lông hút là 1 lớp tế bào vách uốn lượn. Tầng suberoid 3 – 4 lớp tế bào hình đa giác, kích thước không đều nhau, xếp lộn xộn, 1-2 lớp tế bào ngoài cùng kích thước lớn gấp 3- 4 lần các lớp tế bào bên trong. Mô mềm vỏ khuyết, chia 2 vùng: mô mềm vỏ ngoài tế bào gần tròn hoặc đa giác, 7- 8 lớp tế bào xếp lộn xộn; mô mềm vỏ trong, 7 – 8 lớp tế bào xếp thành dãy xuyên tâm và vòng đồng tâm, 1- 2 lớp tế bào mô mềm vỏ sát lớp nội bì kích thước nhỏ hơn. Nội bì hình chữ U, 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bằng 1/2 tế bào mô mềm vỏ trong cùng. Trụ bì là 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, xen kẽ với tế bào nội bì. Hệ thống dẫn: có 45 bó tiền mộc và 45 bó libe xếp xen kẽ nhau, khoảng 22 mạnh hậu mộc to. Tia tủy là vùng mô mềm giữa bó tiền mộc và bó libe. Mô mềm tủy đạo, chia 2 vùng: 5-7 lớp tế bào hơi đa giác hóa mô cứng, kích thước nhỏ; vùng mô mềm tủy còn lại tế bào gần tròn hoặc đa giác vách bằng cellulose, kích thước không đều nhau, gần bằng tế bào mô mềm vỏ.
Vi phẫu rễ dưới mặt đất
Cấu tạo giống vi phẫu rễ trên mặt đất nhưng khác ở một số điểm sau: có các lông hút, mô mềm vỏ có các khuyết to.
Vi phẫu thân
Vi phẫu hình gần tròn. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau, rải rác có lỗ khí. Phía trong lớp biểu bì là một lớp tế bào mô cứng, tế bào hình đa giác, kích thước bằng hoặc hơi lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào gần tròn. Hệ thống dẫn gồm nhiều bó libe gỗ theo kiểu bó mạch kín xếp lộn xộn. Mỗi bó có cấu tạo như sau: libe chồng lên gỗ; xung quanh là bao mô cứng gồm 2-4 lớp tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ; gỗ gồm có 2 mạch hậu mộc và 1-2 mạch tiền mộc, một số bó có mạch tiền mộc bị hủy để lại một khuyết. Mô mềm tủy đạo, tế bào gần tròn hoặc hơi đa giác, vùng mô mềm đạo xung quanh các bó libe gỗ phía ngoài có kích thước nhỏ hơn và hóa mô cứng. Ở gần giữa vi phẫu thường có 1-2 khuyết.
Vi phẫu lá
Gân giữa: tế bào biểu bì hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau, kích thước nhỏ, rải rác có lỗ khí và lông che chở đơn bào ngắn. Dưới biểu bì trên là 2 – 3 lớp tế bào mô cứng hình đa giác, vách dày, kích thước nhỏ; ở biểu bì dưới mô cứng thường tập trung thành từng cụm, 8 – 9 lớp tế bào phía dưới các bó libe gỗ. Mô mềm đạo, phần lớn hóa mô cứng, tế bào đa giác vách mỏng, kích thước không đều nhau, lớn hơn rất nhiều so với tế bào biểu bì. Hệ thống dẫn: nhiều bó libe gỗ lớn nhỏ xếp xen kẽ nhau trên 1 hàng. Mỗi bó có cấu tạo với gỗ ở trên, libe ở dưới; xung quanh là bao mô cứng, 1 – 2 lớp tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, kích thước nhỏ bằng tế bào mô cứng ở biểu bì trên. Gỗ gồm có 2- 4 mạch hậu mộc to, 1-2 mạch tiền mộc, đôi khi mạch tiền mộc ở bó lớn bị hủy để lại một khuyết.
Phiến lá: tế bào biểu bì trên hình chữ nhật hoặc đa giác, có các tế bào bọt kích thước lớn và ít lông che chở đơn bào ngắn. Tế bào biểu bì dưới kích thước lớn hơn tế bào biểu bì trên. Lỗ khí rải rác ở cả 2 biểu bì. Mô mềm khuyết tế bào vách uốn lượn. Nhiều bó libe gỗ giống như ở gân lá, xung quanh các bó libe gỗ là các tế bào mô mềm hình thuôn dài, chứa các hạt lục lạp.
Đặc điểm bột dược liệu:
Bột hạt mịn, có màu trắng ngà.
Thành phần: hạt tinh bột hình dĩa, rốn thường phân nhánh hình sao, kích thước 12,5 - 37,5µm, đôi khi có hạt hình nhẫn. Mảnh nội nhũ, tế bào hình đa giác khá đều đặn, bên trong có chứa chất dự trữ.
Phân bố, sinh học và sinh thái:
Phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á.
Mùa hoa quả: tháng 5-12
Bộ phận dùng:
Hạt (Semen Coicis) thường gọi là Ý dĩ nhân.
Thành phần hóa học:
Quả Ý dĩ chứa tinh bột, protein, dầu béo, lipid, thiamin, acid amin, adenosin, chất vô cơ vết.
Lá và rễ chứa: benzoxazolon.
Rễ còn có môt số dẫn chất lignan, syringyl glycerol.
Tác dụng dược lý - Công dụng:
Do có lượng chất béo và tinh bột khá cao, nên quả Ý dĩ được coi là một nguồn lương thực có giá trị, đồng thời là một vị thuốc quý. Ý dĩ chữa rối loạn tiêu hóa, phù thũng, bí đái, tả lỵ, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó vận động.
Ở Việt Nam có ba giống bo bo (ý dĩ):
Bo bo tẻ (C. lacryma-jobi var. stenocarpa); hạt bo bo tẻ sắc trắng, lớn hạt thường trồng làm thức ăn.
Bo bo cườm (C. lacryma-jobi var. puellarum); giống này nhỏ hạt lại rất cứng, không dùng ăn mà chỉ dùng xâu hạt làm chuỗi, kết mành, v.v.
Bo bo nếp (C. lacryma-jobi var. ma-yuen); giống này lớn hạt, róc vỏ, và được coi là quý nhất. Tương truyền Mã Viện đã đem hạt này từ Giao Chỉ sang Trung Hoa gây giống.
Chữa bệnh và phương pháp làm
Trị răng đau, răng sâu: ý dĩ, cát cánh, nghiền nát thành bột nhuyễn, nhét vào chỗ răng đau.
Trẻ em rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, đái đục: Hạt ý dĩ 12 g, hoài sơn đồ sao 10 g tán bột, cho ăn mỗi lần 6 - 7 g hòa với nước cơm, ngày ăn 2 - 3 lần.
Tiêu chảy mạn tính: Hạt ý dĩ sao vàng 50 g, hạt sen sao vàng 40 g, sa nhân 5 g. Tất cả đem tán bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần với nước cơm, mỗi lần 10 - 15 g.
Phụ nữ khí hư, bạch đới: Hạt ý dĩ sao vàng 20 g, rễ cây bấn trắng 20 g sao vàng. Sắc uống ngày một thang.
Tê thấp, đau lưng, mỏi khớp: Hạt ý dĩ sao vàng 30 g; thổ phục linh, cẩu tích, tỳ giải đều 20 g. Sắc uống ngày một thang