Những bài thuốc dân gian chữa đau nhức khớp gối đơn giản hiệu quả

Đau nhức khớp gối là triệu chứng thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa. Đau nhức khớp gối có thể là triệu chứng của một số bệnh lý xương khớp như chấn thương, viêm và tràn dịch khớp gối, thoái hóa khớp gối, bệnh gout, viêm khớp dạng thấp… Khi bị đau nhức khớp gối sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng sống của người bệnh, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.

1. Bài thuốc chữa đau nhức khớp gối từ rễ cây xấu hổ đỏ

Trong đông y, cây xấu hổ đỏ có vị ngọt, hơi đắng thường được dùng để điều trị suy nhược thần kinh, viêm phế quản, mất ngủ, sỏi đường tiết niệu,.. Rễ cây xấu hổ đỏ giã nát có tác dụng điều trị đau lưng đau xương khớp, viêm da mủ và điều trị chấn thương. Vậy nên cấy xấu hổ có tác dụng giảm đau nhức khớp gối rất tốt.

Cách dùng: Cho 30g rễ cây xấu hổ đỏ rửa sạch, thái lát mỏng trộn đều với rượu mang đi sắc với 600ml nước sạch, gạn còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Gọi là cây xấu hổ vì cây có điểm đặc biệt dễ nhận biết nhất khi chạm vào lá cây cụp rủ xuống. Cây còn có tên khác là cây mắc cỡ, cỏ thẹn, cỏ trinh nữ. Là một cây nhỏ, mọc hoang thành bụi lớn.

2. Bài thuốc chữa đau nhức khớp gối từ đỗ đen và cây cỏ lài

Cây cỏ lài hoặc rau trai có tính hàn, vị ngọt nhẹ có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, giảm sưng viêm, bớt đau, phù thũng xương khớp. Cây dễ tìm, dễ hái, phù hợp cho người hay bị nhức mỏi khớp gối. Đậu đen có chứa các chất chống oxy hóa, chống viêm, đồng thời còn tác động làm mạnh gân cốt, nuôi dưỡng thận. Vậy nên khi dùng cỏ lài và đậu đen giúp nuỗi dưỡng và chống viêm làm giảm đau nhức khớp gối hiệu quả.

Cách dùng: Cho thài lài 15g, đỗ đen 50g vào nồi đun với 600ml nước, khi thấy nước sắc lại còn ⅓ thì dừng, chắt thuốc ra và uống lúc còn nóng. Mỗi ngày uống 3 lần, liên tục trong 7 – 10 ngày để giảm đau khớp gối.

Lưu ý: Người có tỳ vị hư hàn bắt buộc tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng.

Cây Thài lài trắng, Rau trai - Commelina diffusa Burm. f., thuộc họ Thài lài - Commelinaceae.

3. Bài thuốc chữa đau nhức khớp gối từ dây đau xương

Dây đau xương còn được gọi bằng cái tên khác là khoan cân đằng. Theo đông y, dây đau xương có tác dụng khu phong, trừ thấp, mạnh gân cốt. Hoạt chất alkaloid có trong dây đau xương tác dụng giảm đau, kháng viêm, giảm tê nhức, chống thoái hóa khớp, sử dụng để khắc phục các triệu chứng đau xương khớp, nhức mỏi đầu gối, bệnh tê thấp.

Cách dùng: Chỉ cần lấy lá của dây đau xương đem về rửa sạch, giã nhỏ rồi trộn cùng với rượu. Dùng hỗn hợp này đắp lên vị trí vùng khớp bị sưng đau. Thực hiện thường xuyên để mang đến tác dụng tốt. Ngoài ra, có thể lấy thân của loại thảo dược này thái nhỏ, sao vàng, ngâm cùng với rượu với tỷ lệ 1:5. Uống mỗi lần 1 chén nhỏ, ngày dùng 3 lần. Kiên trì áp dụng cách này cũng sẽ mang đến hiệu quả tốt.

Dây đau xương, Tục cốt đằng – Tinospora sinensis (Lour.) Merr. (T. tomentosa Miers), thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.

4. Bài thuốc chữa đau nhức khớp gối từ cây cỏ xước

Theo Đông Y, cây cỏ xước (ngưu tất nam) có vị đắng, chua, tính bình có tác dụng phá huyết, tiêu ứ, khi sao khô có tác dụng mạnh gân xương, bổ can thận, thường được dùng để chữa phong thấp tê mỏi, cước khí, ngã sưng đau, điều trị bệnh thoái hóa khớp xương và những chứng bệnh liên quan đến khớp xương.

Cách dùng: Mỗi ngày lấy khoảng 3 – 9g cỏ xước sao khô đem sắc cùng với 600ml nước. Sắc cạn còn 200ml, chia lượng nước sắc này thành 2 lần dùng, áp dụng thường xuyên để nó mang lại hiệu quả tốt.

Cây Cỏ xước, Nam ngưu tất - Achyranthes aspera L., thuộc họ Rau dền - Amaranthaceae.

5. Bài thuốc chữa đau nhức khớp gối từ lá lốt

Lá lốt theo đông y có vị cay thơm, tính ấm, vào tỳ vị, lá lốt có tác dụng ôn trung tán hàn, trừ phong thấp có tác dụng chống viêm, giảm đau nhức rất tốt. Có thể dùng cây lá lốt tươi hoặc khô để chữa bệnh. Chú ý, lá lốt phải phơi trong bóng râm, không phơi trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời để tránh làm mất nhiều hoạt chất của thuốc.

Cách dùng: Dùng 30g cây lá lốt tươi sắc với 600ml nước, còn 200ml chia uống 2 lần sau ăn một giờ. Nên uống hàng ngày để thấy hiệu quả.

Có thể kết hợp với các vị thuốc khác như: dây đau xương, cỏ xước, cây xấu hổ, sắc uống cùng nhau cũng giúp chống viêm, giảm đau mang lại hiệu quả điều trị tốt.

Cây Lá lốt hay Tất bát - Piper lolot L., thuộc họ Hồ tiêu - Piperaceae.

6. Bài thuốc chữa đau nhức khớp gối từ cây gối hạc

Cây gối hạc có vị ngọt, tính mát và hơi nhẫn đắng, giúp lưu thông khí huyết, tiêu trừ sưng tấy, vì vậy làm giảm đau nhức khớp gối. Do công dụng khá giống với xích thược nên nó còn được gọi là nam xích thược.

Cách dùng: Dùng riêng rễ gối hạc 40-50g sắc với 3 bát nước cạn còn 1 bát, chia 2 lần uống  mỗi ngày.

Gối hạc nhọn, Củ rối có mũi, Trúc vòng - Leea manillensis Walp (L. acuminata Wall., L. aurantiaca Zoll.,) thuộc họ Gối hạc - Leeaceae.

7. Lưu ý

Ngoài sử dụng những bài thuốc dân gian trên để giảm đau nhức khớp gối nên kết hợp với một số thói quen hàng ngày khác để tăng hiệu quả điều trị như:

  • Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Không làm hoặc vận động quá sức khiến các khớp và những cơ quan khác bị tổn thương.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe, tăng sự dẻo dai cho xương khớp.
  • Nếu đã từng bị chấn thương đầu gối, hãy chú ý cẩn thận hơn để tránh gặp phải những vấn đề tương tự.
  • Khớp gối có chức năng đỡ phần trên của cơ thể. Do đó, để không gây sức ép quá lớn đối với khớp gối, hãy chú ý giữ trọng lượng cơ thể ở mức ổn định.
  • Đi giày dép vừa vặn với chân, tránh đi giày cao gót nhiều để hạn chế tình trạng đau khớp.
  • Tăng cường bổ sung cho cơ thể các thực phẩm có tác dụng kháng viêm như rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu omega 3… Hạn chế hoặc không nên dùng các chất kích thích, rượu bia, các thực phẩm khác không tốt cho sức khỏe.