Cây dược liệu cây Rau má lá rau muống, Rau chua lè, Cỏ huy - Emilia sonchifolia (L) DC

Theo Đông y, Rau má lá rau muống Vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêm viêm, sát khuẩn, hoạt huyết khu ứ. Thường dùng chữa: Cảm cúm sốt, viêm phần trên đường hô hấp, đau họng nhọt ở miệng; Viêm phổi nhẹ; Viêm ruột ỉa chảy, lỵ; Bệnh đường niệu sinh dục; Viêm vú, viêm tinh hoàn; Ðau do vết thương, đinh nhọt, eczema, viêm thần kinh da, chấn thương bầm dập, rắn cắn.

1. Cây Rau má lá rau muống, Rau chua lè, Cỏ huy - Emilia sonchifolia (L) DC, thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Rau má lá rau muống hay còn gọi rau má lá rau muống cuống rau dăm, dương đề thảo, tiết gà, cỏ mặt trời, rau chua lè, tam tróc, hồng bối diệp, nhất điểm hồng (Tên khoa học: Emilia sonchifolia) là một loài thực vật có hoa trong họ Cúc. Loài này được (L.) DC. ex DC. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1834.

Rau má lá rau muống

2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Rau má lá rau muống

Mô tả: Cây thảo mọc hàng năm. Thân cao 30-50cm, màu xanh hoặc tím tía, nhẵn. Lá ở cây còn non, nom tựa như lá rau má, lá ở cây trưởng thành không cuống, có tai ở gốc, lá ở phía dưới cuống có cụm hoa dài tựa như lá rau muống, hình bầu dục không cuống gốc lá xoè rộng ôm lấy thân. Cụm hoa hình đầu, thưa, mang hoa giống nhau màu hồng hay tím nhạt. Quả bế hình trụ, có một chùm lông trắng.

Bộ phận dùng: Phần cây trên mặt đất - Herba Emiliae, thường gọi là Nhất điểm hồng. 

Nơi sống và thu hái: Loài liên nhiệt đới mọc hoang khắp nơi, ở bãi cỏ ven đường, bờ ruộng ẩm, bãi cát. Có thê thu hái cây quanh năm. Cắt lấy cây trên mặt đất, rửa sạch đem phơi hay sấy khô. 

Thành phần hoá học: Sơ bộ nhận thấy có stearin glycosid và có ít alcaloid. 

Tính vị, tác dụng: Vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêm viêm, sát khuẩn, hoạt huyết khu ứ. 

Công dụng, chỉ định và phối hợp: 

Thường dùng chữa: 

1. Cảm cúm sốt, viêm phần trên đường hô hấp, đau họng nhọt ở miệng; 

2. Viêm phổi nhẹ; 

3. Viêm ruột ỉa chảy, lỵ; 

4. Bệnh đường niệu sinh dục; 

5. Viêm vú, viêm tinh hoàn; 

6. Ðau do vết thương, đinh nhọt, eczema, viêm thần kinh da, chấn thương bầm dập, rắn cắn. 

Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Nước sắc lá dùng tắm gội chữa sởi. 

Cây tươi giã, thêm nước, gạn uống và lấy bã đắp trị rắn cắn. Dùng ngoài, giã nhỏ đắp hoặc băng bó chữa mụn rò vàng, đinh nhọt. Nước ép lá tươi giã nát nhỏ vào tai chữa viêm tai có mủ. Dùng ngoài không kể liều lượng. 

Ở Ấn Ðộ dùng như chất hạ sốt trong viêm màng nhĩ ở trẻ em và đau ruột. Dịch lá dùng trị viêm mắt, quáng gà và đau tai. Rễ dùng trị ỉa chảy.