Cây dược liệu cây Thông thảo - Tetrapanax papyrifer

Theo Đông y, thông thảo vị ngọt nhạt, tính hàn; vào kinh phế và vị. Có tác dụng tả phế lợi thủy, lợi sữa. Dùng trị các chứng lâm, thấp ôn, viêm đường tiết niệu, phù nề, phụ nữ sau đẻ thiếu sữa. Thông thảo hay còn gọi thông thoát mộc[1] (danh pháp khoa học: Tetrapanax papyrifer) là một loài thực vật có hoa trong Họ Cuồng cuồng. Loài này được (Hook.) K.Koch miêu tả khoa học đầu tiên năm 1859.

1. Hình ảnh mô tả cây Thông thảo, Thông thoát mộc - Tetrapanax papyriferus (Hook.) K. Koch

Tên Khoa học: Tetrapanax papyriferus (Hook.) C. Koch.
Tên tiếng Việt: Thông thảo; Thông thoát; thông thoát mộc
Tên khác: Aralia papyrifera Hook.;

Mô tả cây: Cây gỗ nhỏ, cao 2-5 m, mọc thẳng, có lõi xốp, không phân cành, không có gai, phần thân non và ngọn phủ lông dày màu nâu nhạt. Lá mọc cách; có cuống dài 30-50 cm, khi rụng để lại vết sẹo trên thân. Phiến lá to, xẻ thuỳ chân vịt nông, mép khía răng; đường kính lá 20-50 cm; phủ lông dày màu xám trắng ở cả 2 mặt lá. Cụm hoa mọc ở ngọn, gồm nhiều tán trên một trục chung to, phủ lông dày, dài tới 80 cm. Mỗi tán gồm khoảng 20 hoa nhỏ, cuống ngắn. Đài và cánh hoa 4-5; nhị 4-5, dài 3-4 mm; lá bắc nhỏ. Bầu 2 ô, đầu vòi nhuỵ chẻ 2. Quả hình cầu dẹt, khi chín màu tím đen. Hạt nhỏ.

Lõi trắng thân cây thông thảo cho vị thuốc thông thảo

2. Thông tin dược liệu

Bộ phận dùng: Lõi thân - Medulla Tetrapanacis, thường gọi là Thông thảo. Rễ, nụ hoa cũng được dùng.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở rừng ẩm Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn tới Đắc Lắc. Cũng phân bố ở Trung Quốc. Người ta thu lõi của cây mọc 2-3 năm. Vào tháng 9-11, chặt lấy thân cây đem về chia thành từng đoạn dài 30cm hay hơn, phơi khô, rồi dùng một gậy gỗ thân tròn, đường kính bằng lõi cây Thông thảo để đẩy lõi ra. Sau đó lại tiếp tục phơi cho thật khô chứ không sấy. Khi dùng thái lát mỏng.

Thành phần hóa học: Có inositol, còn chứa polysaccharit, lactose, acid galacturonic.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn. Lõi thân có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thông khí hạ nhũ, thanh nhiệt giải độc, trấn khái. Rễ có tác dụng hành khí, lợi thuỷ, tiêu thực, thúc sữa.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa bệnh sốt khát nước, ho, làm thuốc lợi sữa. Ngày dùng 3-10g, dạng thuốc sắc.

Ở Trung Quốc, người ta dùng chữa bệnh đái đỏ, bệnh lậu đái buốt, Thủy thũng đái ít và phụ nữ cho con bú không thông sữa, tỳ lạnh mắt mờ, mũi tắc. Rễ dùng trị Thủy thũng, bệnh lâm, thực tích, trướng bụng, tuyến sữa không thông. Hoa dùng trị con trai âm nang trễ xuống.

Đơn thuốc: Lợi sữa: Thông thảo 10g, cám gạo nếp 10g, hạt Bông (sao vàng) 15g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

3. Tên tiếng Việt: Thông thảo; Thông thoát; thông thoát mộc

Phân bố:

- Trong nước: Lai Châu (Sìn Hồ), Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát), Sơn La (Mộc Châu), Hà Giang (Yên Minh), Cao Bằng, Lạng Sơn (?), Hoà Bình.

- Thế giới: Trung Quốc.

Giá trị: Loài tương đối hiếm ở Việt Nam. Lõi xốp thân được dùng làm thuốc chữa phù thũng, lợi tiểu, có tác dụng hạ sốt và lợi sữa.

Tình trạng: Ít được khai thác (do trữ lượng không đáng kể), nhưng lại bị tàn phá do lấy đất canh tác nương rẫy (Sìn Hồ-Lai Châu), hậu quả là điểm phân bố ở Phó Bảng-Hà Giang đã bị mất. Loài có nguy cơ bị rủi ro cao.

Cây Thông Thảo

4. Tham khảo thêm: Thông thảo được dùng làm thuốc cho các trường hợp: theo BS. Tiểu Lan

Hành khí, thông sữa: Trị tắc và thiếu sữa sau khi đẻ.

Bài 1: thông thảo 10g, cám gạo nếp 10g, hạt bông (sao vàng) 15g. Sắc uống 3 lần trong ngày. Tác dụng lợi sữa.

Bài 2: thông thảo 8g, móng heo 1 đôi, xuyên khung 6g, xuyên sơn giáp 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Chữa sau sinh ít sữa.


Lợi niệu thông lâm: trị các chứng bệnh thấp nhiệt, thủy thũng, tiểu dắt và ít.

Bài 1 - Thang thông thảo: thông thảo 12g, cù mạch 12g, thiên hoa phấn 12g, liên kiều 12g, cam thảo 4g, bạch chỉ 8g, sài hồ 8g, thanh bì 8g, xích thược 8g, cát cánh 8g. Sắc uống. Trị tiểu nhỏ giọt.

Bài 2 - Thuốc thông sa: thông thảo 12g, hạnh nhân 12g, màng mề gà 12g, hậu phác   8g, mộc thông 8g, trần bì 8g, hải kim sa 16g, hạt củ cải 12g. Sắc uống. Trị cổ trướng (bụng trướng to), bí tiểu.

Bài 3: thông thảo 8g, đại phúc bì 12g, phục linh bì 16g. Sắc uống. Trị viêm thận cấp, thủy thũng, tiểu ít.

Bài 4: thông thảo 12g, cù mạch 12g, liên kiều 12g, mộc thông 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị nhiễm khuẩn niệu đạo.

5. Một số món ăn thường dùng: theo BS. Tiểu Lan

Chân giò hầm thông thảo: chân lợn đen 1 đôi, thông thảo 4g, có thể thêm 2 - 4g nhân sâm. Chân lợn làm sạch chặt nhỏ, hầm với thông thảo, nhân sâm. Món này thích hợp cho sản phụ sau đẻ ít sữa.

Thông nhũ thang: thông thảo 8g, chân lợn 2 cái, xuyên khung 6g, xuyên sơn giáp 8g, cam thảo 4g. Chân lợn làm sạch chặt khúc; xuyên sơn giáp được nướng phồng. Tất cả đem hầm chín nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị là được. Món này tốt cho sản phụ sau đẻ tắc sữa ít sữa ăn. Ngoài ra, chị em có thể kết hợp dùng nước hành nấu rửa vuốt nhẹ núm vú theo chiều nan hoa nhiều lần.

Cháo lô căn thông thảo trần bì: thông thảo 6g, sinh lô căn 30g, trần bì 2g, gạo tẻ 60g. Tất cả đem nấu cháo loãng, uống. Món này tốt cho người bị nôn thổ, nôn khan sau khi bị bệnh đường ruột, thương hàn.

Kiêng kỵ: Người không bị thấp nhiệt hoặc đi tiểu nhiều dùng phải thận trọng. Phụ nữ có thai cấm dùng.