1. Cây Sài hồ còn có tên khác là diệp sài hồ, trúc diệp sài hồ, bắc sài hồ. Tên khoa học: Bupleurum chinesnis DC. Thuộc họ hoa tán (Apiaceae).
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Sài Hồ
Mô tả cây thuốc: Sài hồ là cây thảo sống lâu năm, cao 2-5m, mang nhiều cành ở phía trên. Lá mọc so le, hình thìa, mép có răng cưa; phiến lá dày, láng ở mặt trên, nhạt màu ở mặt dưới, có mùi thơm hắc. Cụm hoa hình đầu, màu đỏ nhạt, hơi tim tím với 4-5 hàng lá bắc. Các đầu này lại họp thành 2-4 ngù. Quả bế có 10 cạnh, có mào lông không rụng.
Bộ phận dùng: Rễ cây và lá - Radix et Folium Plucheae Pteropodae.
Thu hái, sơ chế:
Rễ có thể thu hái quanh năm. Đào rễ về, bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Thu hái cành mang lá non quanh năm, dùng tươi, phơi khô hay nấu thành cao.
Mô tả Dược liệu: Vị thuốc Sài hồ là rễ hình dùi tròn, phía dưới to ra, đầu rễ phình to, dài 6,6-20cm, đường kính 0,6-1,6cm. Vỏ ngoài mầu nâu nhạt xám hoặc nâu xám, có vết nếp vân nhăn dọc và vết sẹo của các rễ phụ. Phần đỉnh có lông tơ nhỏ hoặc thân cứng còn sót lại. Dai, chắc, khó bẻ gẫy, mặt cắt có những thớ gỗ mầu ngà. Hơi có mùi thơm, vị hơi đắng, cay (Dược Tài Học).
Thành phần hóa học:
Bupleurumol, adonitol, spinasterol, oleic acid, linolenic acid, palmitic acid, stearic acid, lignoceric acid, saikosaponin, daikogenin, longispinogenin, rutin, bupleurumol, quercetin.
Tính vị: Vị đắng, tính bình.
Quy kinh: Vào các kinh Can, Đởm, Tâm bào.
Tác dụng của Sài hồ: Phát biểu, hòa lý, thoái nhiệt, thăng dương, giải uất, điều kinh.
Chủ trị:
Dùng sống trị ngoại cảm, giải nhiệt, lợi tiểu tiện, ra mồ hôi. Khi thuốc được tẩm sao để trị hoa mắt, ù tai, kinh nguyệt không đều hay trẻ bị lên đậu, sởi, sốt rét, sốt thương hàn.
Tác dụng dược lý:
- Hạ nhiệt, an thần, giảm đau, giảm ho rõ rệt.
- Tác dụng như cocticoit kháng viêm.
- Bảo vệ gan và lợi mật.
- Hạ mỡ trong máu.
- Tác dụng tăng cường thể dịch miễn dịch và miễn dịch tế bào. Tăng khả năng tổng hợp protein của chuột.
- Nước sắc Sài hồ có tác dụng ức chế mạnh liên cầu khuẩn tan huyết, phẩy khuẩn thổ tả, trực khuẩn lao, leptospira, virut cúm. Thuốc còn có tác dụng kháng virut viêm gan, virut viêm tủy týp I, vi trùng sốt rét.
Liều dùng: Ngày 12 – 24g.
Kiêng kỵ: Người hỏa hư không dùng hoặc có hội chứng can dương vượng hay âm hư.
Bài thuốc có Sài hồ:
+ Trị chứng thiếu dương, lúc sốt lúc rét, ngực hông đầy tức, miệng đắng họng khô, tim hồi hộp, thích oẹ, chán ăn; cũng dùng trị sốt rét: Sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, pháp bán hạ 12g, cam thảo 4g, sinh khương 8g, đảng sâm 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống.
+ Trị giun đũa lên ống mật: Sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 12g, mộc hương 12g, bạch thược 20g, binh lang 20g, sử quân tử 30g, vỏ rễ xoan 30g, mang tiêu 12g. Sắc uống.
3. Hình ảnh Dược liệu sài hồ