Cây dược liệu cây Rễ gió, Sơn dịch vặn - Aristolochia contorta Bunge

Theo Đông Y, Rễ gió Vị đắng, tính ấm; có tác dụng hành khí hoạt huyết, lợi thủy tiêu thũng. Ở nước ta, dùng rễ uống chữa tắc tia sữa, kinh bế, tiểu tiện không thông, phù thũng

1. Cây Rễ gió, Sơn dịch vặn - Aristolochia contorta Bunge, thuộc họ Nam mộc hương - Aristolochiaceae.

Rễ gió hay sơn dịch vặn (Tên khoa học: Aristolochia contorta) là một loài thực vật có hoa trong họ Aristolochiaceae. Loài này được Bunge miêu tả khoa học đầu tiên năm 1833.

Ở Việt Nam, có gặp ở Lạng Sơn và Kon Tum.

2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Rễ gió

Mô tả: Cây leo nhẵn dài hàng mét. Rễ hình trụ, màu nâu vàng. Lá mọc so le, phiến lá dạng tam giác, gốc hình tim, đầu nhọn, mép nguyên, dài cỡ 7cm x 4,5cm hay hơn, mặt trên nhẵn mịn, mặt dưới có lông sát; gân từ gốc 5; cuống 2cm. Chùm ngắn 3-10cm có lá bắc nhỏ, màu lục tím. Đài dài cỡ 1cm, có phần phình ngắn, 3-4mm, tận cùng bằng một phiến mũi mác, nhị 6; bầu tận cùng bằng 6 đầu nhụy. Quả nang dài 1cm; hạt có cánh.

Hoa tháng 3-5; quả tháng 6-8.

Bộ phận dùng:  Toàn cây - Herba Aristolochiae, thường gọi là Thiên tiên đằng

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang chỗ ẩm ướt, dưới tán rừng thưa ở vùng núi Lạng Sơn, Kon Tum. Còn phân bố ở Trung Quốc, Triều Tiên. Thu hái toàn cây, rễ vào tháng 7-9, rửa sạch, phơi khô.

Thành phần hoá học: Có magnoflorine, cyclanoline, acid aristolochic.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính ấm; có tác dụng hành khí hoạt huyết, lợi thủy tiêu thũng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở nước ta, dùng rễ uống chữa tắc tia sữa, kinh bế, tiểu tiện không thông, phù thũng với liều 12-20g, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Ở Trung Quốc, cây dùng trị bụng sườn đau nhói, khớp xương tê đau.