1. Cây Ngải Nhật, Mẫu hao - Artemisia japonica Thunb., thuộc họ Cúc - Asteraceae.
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Ngải Nhật
Mô tả: Cây thơm, mọc nhiều năm, đứng cao 50-150cm. Lá không cuống, phiến thon ngược, nhỏ, dài 2-4cm, từ từ hẹp lên ngọn và nhánh, không lông. Chuỳ hoa mang chùm dài, hẹp, nhánh mang nhiều hoa đầu gắn một bên; hoa đầu có cuống, cao 2mm. Lá bắc có mép trong, không lông; hoa hình ống cả, hoa ngoài cái, hoa trong lưỡng tính. Quả bế không có mào lông, cao 0,5mm.
Hoa tháng 9-12.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Artemisiae Japonicae, thường gọi là Mẫu hao.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc dọc đường đi, trên đất có cát nhiều nơi từ Lạng Sơn, Hà Bắc, Hoà Bình, Ninh Bình, Hà Nội đến Kontum, Lâm Đồng. Thu hái vào mùa xuân hạ, mùa thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hoá học: Có tinh dầu.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, hơi ngọt, tính bình, mùi thơm; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải thử, khư phong thấp, chỉ huyết.
Công dụng:
Trị:
1. Cảm sốt, đau đầu (cảm mạo do nắng, sốt không ra mồ hôi);
2. Sưng amygdal, lở miệng;
3. Sốt rét;
4. Lao phổi kèm theo sốt, lao xương;
5. Huyết áp cao. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài, giã cây tươi với lượng vừa đủ làm thuốc đắp trị: vết thương chảy máu, viêm mủ da, eczema, mụn nhọt, rắn độc cắn.
Cũng dùng chữa đau răng, chảy máu cam, đái ra máu, bỏng nước sôi, đau nhức do phong thấp.
Đơn thuốc:
1. Sưng amygdal: Cây tươi Ngải Nhật 30-60g, thái nhỏ đun sôi uống.
2. Lao phổi có sốt, kéo dài thành sốt nặng: Ngải Nhật 10g, Địa cốt bì 15g, sắc uống.