1. Dưa hấu - Citrullus lanatus (Thunb.) Matsum. et Nakai (C. vulgaris Schrad.), thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae.
2. Thông tin mô tả chi tiết dược liệu Dưa hấu
Mô tả: Dây leo có nhiều lông, tua cuốn chẻ 2-3 nhánh. Lá màu xanh nhạt, hình tam giác, có 3-5 thuỳ, các thùy này lại chia thành thuỳ nhỏ có góc tròn; cuống lá có lông mềm. Hoa đơn tính cùng gốc, to, màu vàng lục. Quả rất to, hình cầu hoặc hình trứng dài, nhẵn, vỏ ngoài màu lục đen sẫm, nhiều khi có vân dọc màu lục nhạt, có thể dài tới 50cm, rộng 30cm, nặng 10-20kg. Thịt quả trắng đỏ hay vàng, mọng nước, vị dịu ngọt; hạt dẹp, màu nâu hay đen nhánh.
Hoa tháng 4-7, quả tháng 7-8.
Bộ phận dùng: Vỏ quả- Pericarpium Citrulli, thường được gọi là Tây qua bì. Quả và hạt cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Phi châu nhiệt đới, được trồng ở hầu khắp các vùng nhiệt đới và Á nhiệt đới. Ở nước ta, Dưa hấu được trồng ở các bãi đất cát, đất bồi ở nhiều nơi. Ở miền Bắc, Dưa hấu được trồng và thu hoạch vào mùa hè thu; còn ở miền Nam, Dưa hấu được trồng khác vụ, cho quả vào mùa đông, ăn vào dịp Tết Nguyên đán. Cây chịu khô ráo; có tạp chúng không hạt; quả rất to, quán quân là 118kg. Ta thường dùng quả để ăn tráng miệng và giải khát, có khi được dùng ăn kèm với các món rau khác trong bữa ăn. Hạt dùng rang ăn vào dịp Tết, hội hè, cưới hỏi; cũng có thể chế biến lấy dầu ăn. Có 1 thứ (var. fistulosum (Stockes) Duthie et Fuller) được trồng lấy quả làm rau ăn.
Thành phần hoá học: Quả chứa citrullin (0,17% của dịch quả), caroten, lycopin, mannitol, rất giàu về pectin, nghèo về vitamin A và vitamin C. Còn có một acid amin là a-amino-b-(pyrazolyl-N) propionic acid. Hạt chứa dầu có tỷ lệ thay đổi 20-40%; còn là nguồn enzym ureaza. Còn có acid amin (-)b- pyrazol-g-ylal-amin.
Tính vị, tác dụng: Quả có vị ngọt nhạt, tính lạnh; có tác dụng giải khát, giải say nắng, tránh phiền nhiệt, hạ khí, lợi tiểu tiện, hạ huyết áp. Vỏ quả có vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh thử giải nhiệt, chỉ khát, lợi tiểu. Hạt có vị ngọt, tính lạnh có tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu tiện, hạ huyết áp, tăng sinh lực.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả được dùng trong các trường hợp huyết áp cao, nóng trong bàng quang, đái buốt, viêm thận phù thũng, vàng da, đái đường, say rượu, cảm sốt, phiền khát. Còn dùng chữa đi lỵ ra máu và ngậm khỏi viêm họng. Vỏ quả được dùng giải nắng, chữa sốt khát nước, đi tiểu ít, đái dắt, phù thũng, miệng lưỡi sưng lở. Có thể dùng tới 40g vỏ quả sắc với nửa lít nước đun sôi uống thay trà; hoặc dùng vỏ quả phơi khô đốt ra than tán bột ngậm hoặc sắc nước ngậm chữa lở miệng lưỡi. Hạt dùng chữa đau lưng và phụ nữ hành kinh quá nhiều, lại có thể trị giun sán. Liều dùng 12g, dạng thuốc sắc; ngày uống 3lần. Dầu hạt có thể thay dầu hạnh đào.
Đơn thuốc:
1. Dưa hấu giải thử nhiệt: Vào mùa hè, trời quá nóng làm cho người ta ăn uống không bình thường, tiêu hoá không tốt, đầy bụng, người mệt mỏi, không thích làm việc. Có thể dùng vỏ Dưa hấu 1 lạng, lạc 1 lạng, mạch nha 1/2 lạng, ý dĩ 1/2 lạng, nấu thành cháo đặc, ăn liền 6-7 ngày.
2. Dưa hấu trị trúng thử: Mùa hè trúng thử, bỗng nhiên chóng mặt, phát sốt nếu chưa nôn mửa, ỉa chảy, có thể ép nước Dưa hấu, ngày uống 2-3 bát, người mắc bệnh nhẹ có thể khoẻ. Sốt không lui, có thể dùng đạm Đậu xị 12g, Hương nhu 8g, sắc lên làm thuốc uống, lại lấy nước Dưa hấu ép uống thay nước chè, cũng có thể khỏi bệnh.
3. Trị sốt cao: Trường hợp bị viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm thận đều có thể dùng nước ép Dưa hấu để uống.
4. Trị say rượu: Dùng nước Dưa hấu ép uống có thể giải rượu và tỉnh lại.
Ghi chú: Người lạnh dạ nên kiêng ăn, vì ăn nhiều sinh nôn tháo.
3. Hình ảnh quả dưa hấu Việt Nam