Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Thiên tuế Thái Lan
Thiên tuế Thái Lan, Thiên tuế Xiêm - Cycas siamensis Miq., thuộc họ Tuế - Cycadaceae.
Mô tả: Thân cột cao tới 4,5m, phù to như củ ở gốc, tán lá thưa. Lá dài 50-90 cm, mang 50-70 cặp lá chét thon hẹp, dài 20cm, rộng 7-9mm, chót có mũi; trục lá tròn, có lông. Chuỳ hoa đực mang rất nhiều nhị có mũi nhọn; vẩy cái dài 5-7cm, phiến xoan - thon, có 10 khía sâu, có lông dày, màu cam, noãn 2.
Hoa tháng 12-4; quả tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Lá, quả, thân, rễ - Folium, Fructus, Caulis et Radix Cycatis Siamensis.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Mianma, Nam Trung Quốc (Vân Nam), Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, phổ biến trong các rừng thưa cây họ Dầu, trên đất cát, đất laterit hay đất đá badan ở độ cao tới 400m. Ở nước ta, có gặp ở Ðắc Lắc.
Tính vị, tác dụng: Các bộ phận của cây có vị đắng, chát, tính hàn; có tác dụng giải độc, thông lạc, kiện vị, chỉ khái khư đàm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: ở Vân Nam (Trung Quốc), quả, lá dùng trị viêm dạ dày ruột, lỵ, tiêu hoá không bình thường, nấc, viêm nhánh khí quản; thân dùng trị viêm gan thể hoàng đản, ung thư, có nơi dùng trị đẻ khó; rễ dùng trị phong thấp đau xương, đòn ngã, thận hư, đau răng.