Thu hồi và tiêu hủy nhiều lô thực phẩm chức năng vi phạm về chất lượng
Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 99 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), với tổng số tiền phạt lên tới hơn 5,5 tỷ đồng. Không chỉ xử phạt bằng tiền, Cục An toàn thực phẩm còn thu hồi 54 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 8 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 7 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đồng thời, buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy nhiều lô sản phẩm vi phạm về chất lượng, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Dù số tiền xử phạt các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực TPCN từ đầu năm 2018 đến nay lên đến hàng tỷ đồng, nhưng nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất vẫn ngang nhiên gian dối trong sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, do nhu cầu lớn nên không ít DN sản xuất vì lợi nhuận đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng cố tình sản xuất TPCN không đúng tiêu chuẩn được công bố. Sai phạm chủ yếu trong kinh doanh TPCN thời gian qua là: quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, vi phạm quy định cấm quảng cáo theo quy định; sản xuất không đúng chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; ghi nhãn sản phẩm không đúng quy định, sản xuất thực phẩm chức năng khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sản xuất ở nơi không có đủ điều kiện đảm bảo ATTP...
Cơ sở sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2019, cơ sở sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt) mới được tiếp tục sản xuất. Đây sẽ là bước để loại trừ những cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng ra khỏi thị trường. Đồng thời, để quản lý tốt thị trường tiềm năng này, từ tháng 11/2018 - 1/2019, Bộ Y tế sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền tại 18 tỉnh, thành. Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Ông Phong cho hay, nếu áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn GMP thì số lượng cơ sở đủ điều kiện chỉ còn khoảng 300 cơ sở/tổng số 4.000 cơ sở trên cả nước như hiện nay. Những cơ sở không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.
Theo quy định của Bộ Y tế, để đạt GMP đối với sản xuất TPCN, các cơ sở sản xuất từ nhà xưởng, hệ thống không khí đến bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm. Đặc biệt, chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách sản xuất của cơ sở sản xuất tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành. Ngoài ra, phải có hệ thống hồ sơ, sổ sách kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm; các hồ sơ thể hiện quá trình nuôi trồng, thu hái, bao gói, bảo quản, lưu kho vận chuyển, lưu thông đối với nguyên liệu nhập về cho sản xuất TPCN...