Công dụng chữa bệnh của củ ấu, cách dùng cây ấu đúng cách

Củ ấu được trồng nhiều ở nước ta, trên ao hồ nhiều bùn; là đặc sản nổi tiếng, có giá trị dinh dưỡng cao. Củ non có mùi thơm, dùng ăn sống hoặc làm nước ép sinh tố giải khát; củ già ngon như hạt dẻ nên được gọi là hạt dẻ nước, để làm bánh kẹo, nấu rượu, làm dấm. Không chỉ ăn ngon, củ ấu còn có nhiều dược tính.

Hình ảnh củ ấu

Cây củ ấu có tên hoa học là Trapa natans là một loài thực vật có hoa trong họ Lythraceae. Loài này được L. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753.

Vỏ củ ấu (lăng xác): tác dụng thanh nhiệt thu liễm. Chữa các chứng:

Chữa lỵ, đại tiện ra máu: vỏ củ 20g, sắc uống 2 lần trong ngày.

Trị mụn nhọt, lên đinh ngón tay: vỏ củ ấu sao tồn tính tán mịn thêm tinh dầu thơm bôi bên ngoài trong các trường hợp mụn nhọt, lên đinh ở ngón tay (viêm tấy khoang bàn tay).

Lá cây củ ấu (lăng diệp): tác dụng thanh nhiệt giải độc. Lá cây củ ấu phơi khô tán bột, bôi đắp ngoài chữa các tổn thương trên da mặt, miệng môi ở trẻ suy dinh dưỡng (cam tẩu mã).

Tai, đế, cuống củ ấu (lăng đế): có tác dụng thanh nhiệt hoá thấp. Tai, đế, cuống củ ấu giã nát đắp trên da. Trị các mụn cơm, mụn cóc trên trên da

Củ ấu (lăng tử): là nhân củ ấu. Củ có vị ngọt, tính mát; vào tỳ, vị. Có tác dụng ích khí kiện tỳ (ăn chín); thanh thử giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát (ăn sống). Dịch chiết qua rượu của củ ấu non sống có tác dụng chống ung thư, u bướu. Củ ấu non ăn sống có tác dụng chống nóng chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy; củ ấu già có tác dụng kiện tỳ bổ khí dùng cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược.

Chữa tỳ vị hư suy ở người cao tuổi, ăn uống khó tiêu, viêm ruột: đảng sâm, hoàng kỳ, bột củ ấu mỗi vị 10g. Sắc đảng sâm và hoàng kỳ lấy nước, bỏ bã, hòa bột củ ấu, đun sôi cho uống.

Trị say nóng, say nắng, say rượu, sốt mất nước, khát nước, kích thích bồn chồn: củ ấu ăn tươi liều lượng thích hợp, rửa sạch, bỏ vỏ ăn sống.

Trị huyết nhiệt, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết đau rát hậu môn: củ ấu 250g, nấu chín trong 1 giờ, ép lọc lấy nước, thêm đường, chia 2 lần uống trong ngày.

Dùng cho người bị tỳ hư tiêu chảy, mệt mỏi mất sức:củ ấu già 150g luộc chín, bóc bỏ vỏ ăn, mỗi ngày 2 lần.

Dùng cho trẻ em tiêu chảy mạn tính: củ ấu cả vỏ 30g, bột củ mài 30g. Nấu nhừ củ ấu, ép lọc lấy nước, cho bột củ mài vào, đun chín thành hồ bột.

Chữa tỳ vị hư suy ở người cao tuổi, ăn uống khó tiêu, viêm ruột: củ tươi bỏ vỏ 30g, gạo nếp 30g, đường vừa đủ. Nấu cháo, ăn 2 lần trong ngày.

Dùng điều trị bổ trợ cho trường hợp ung thư tử cung, ung thư dạ dày ruột: củ ấu (bóc đập bỏ vỏ) 20 - 30g, thêm nước, đun nhỏ lửa nấu thành dạng canh cháo có màu nâu tía đặc sánh. Ăn ngày 2 lần.

TS. Nguyễn Đức Quang