Phân biệt rau tàu bay và cỏ tàu bay để không sử dụng nhầm lẫn

Có nhiều các gọi cho cùng một loài thực vật và cũng có nhiều loài khác nhau lại được gọi chung bằng một tên để rồi từ đó có thể sinh ra những nhầm lẫn. Và nếu như những loài khác nhau nhưng được gọi chung một tên như thế, lại có những tính chất và cách sử dụng khác nhau trong đông y thì thật không tốt. Do đó, cần phải có những chỉ dẫn cụ thể để nhận biết cụ thể những đối tượng như vậy. Và tất nhiên, xung quanh những cái tên giống nhau cũng có những câu chuyện khác nhau...

Rau tàu bay - Tên khoa học: Crassocephalum crepidioides (Benth.) S. Moore, Tên đồng nghĩa: Gynura crepidioides Benth.

Gọi là rau tàu bay vì khi có gió, hoa của nó bay phát tán trong không khí như “tàu bay”..

Tên thường gọi: Rau tàu bay

Tên khác: Kim nhất

Tên tiếng Anh:

Tên khoa học: Crassocephalum crepidioides (Benth.) S. Moore

Tên đồng nghĩa: Gynura crepidioides Benth.

Thuộc họ Cúc - Asteraceae

Mô tả

Thân thảo mập, có rãnh mọc đứng, cao khoảng 0,4 m đến 0,5 m nhưng cũng có thể tới 1 m. Có rễ cái màu trắng hoặc nâu. Lá to, mỏng, hình trứng dài, mép có răng cưa to hoặc có khía, có mùi thơm. Hoa lưỡng tính, tự hình đầu, hợp thành ngù, màu hồng nhạt đến đỏ và đỏ nâu, có mào lông mịn, trắng, mềm. Quả bé có mào lông.

Phân bố

Ở các vùng có khí hậu nhiệt đới: phần lớn Châu Á, Châu Phi. Cũng tìm thấy ở một số bang của Mỹ, các đảo ở đông nam Địa Trung Hải, Quần đảo Cook...

Đặc điểm sinh trưởng

Là loài cây một năm, thích hợp với đất ẩm, phân bố rộng. Có thể mọc ở những nơi có độ cao tới 2.500 m, có thể tái tạo bằng hạt nảy mầm hoặc bằng thân cây. Hoa nở từ tháng 9 đến tháng 2, ra quả từ tháng 10 đến tháng 3. Đầu các nhụy hoa lúc khô biến thành các túm bông nhẹ, bay theo gió, đem theo nhụy và hạt cây đi đến những nơi thuận lợi để sinh sôi.

Rau tàu bay còn được biết phổ biến nhờ trong chiến tranh Việt Nam, ở những vùng rừng núi nó là một trong những loài cây rừng chủ lực được chọn để thay rau xanh.

Sử dụng

Tuy có tên là rau nhưng thực tế nó chỉ là một loài cỏ dại, có thể ăn được như rau nhưng do có nguồn gốc hoang dại, còn nhiều độc tính nên không được sử dụng nhiều hoặc trồng làm rau. Ở Việt Nam, đôi khi nó được sử dụng làm thực phẩm thay thế rau xanh nhưng rất hạn chế vì có mùi hắc rất khó chịu kể cả khi đã luộc chín.

Đọt non của cây có thể luộc, nấu canh, hoặc làm nộm trộn với hoa chuối... Trong thời gian chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh Việt Nam, nó là món ăn thường xuyên của du kích, bộ đội khi hoạt động ở những vùng rừng núi do không có điều kiện để trồng rau xanh thường xuyên để tránh bị lộ nơi đóng quân hoặc những lúc hết lương thực.

Trong y học cổ truyền còn sử dụng rau tàu bay làm dược liệu.

Rau tàu bay hay còn gọi kim thất

Thông tin khác về Rau tàu bay

Gọi là rau tàu bay vì khi có gió, hoa của nó bay phát tán trong không khí như “tàu bay”...

Và trong thơ ca...

Anh đã sống những tháng năm hào hứng

Ăn rau tàu bay, hát vỗ nhịp vào báng súng
(Về làng - Trần Đăng Khoa)

Cơm gạo mốc, mà tưởng cơm nếp mới

Rau "tàu bay" không muối cũng thành canh...
(Đêm tháng năm - Văn Thảo Nguyên)

Rau tàu bay được xếp vào nhóm rau rừng. Rau tàu bay được nổi danh đặc biệt từ trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nó đã cung cấp nguồn rau xanh sẵn có khắp nơi để ăn sống, muối dưa, luộc, xào, nấu canh... cho quân dân cả nước. Rau tàu bay mọc ở đồng bằng, trên núi, trong rừng, bên đường, bờ mương, ven suối.

Tháng 9/1950, Bác Hồ đi thị sát chiến dịch biên giới. Hôm đi qua chợ mới Bắc Kạn, 6 bác cháu ăn lương khô, có được chút chất tươi chính là món rau tàu bay luộc. Anh em khen được bữa ăn ngon miệng. Bác Hồ nói: “rau tàu bay có khác, ăn vào thấy nhẹ cả người, lại có cả mùi xăng”. Anh em lại được dịp phá lên cười vui vẻ.

Còn với nhân dân ở thời bình như thời chiến, rau tàu bay là món rau thường thấy bên cạnh “nước chấm đại dương và nước canh toàn quốc” trong bữa ăn của sinh viên. Đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới vào những ngày đầu khai hoang cũng tìm đến rau tàu bay. Có lẽ cũng vì ân tình đối với rau tàu bay mà trong hàng trăm rau rừng ăn được thì hiếm có rau được nghiên cứu thành phần hóa học, trong rau tàu bay cho thấy (tính theo %): nước 91,1, protein 2,5, lipid 0,2, cellulose 1,6 dẫn xuất không protein 3,7. Khoáng toàn phần 0,9. Về vitamin có 3,4mg% caroten (tiền sinh tố A), 10mg% vitamin C.

Tác dụng phòng chữa bệnh của Rau tàu bay

Cũng như các loại rau xanh khác, rau tàu bay cung cấp các loại vitamin nói chung và vitamin A, C là những vitamin chống ôxy hóa, khử gốc tự do. Rau tàu bay có nhiều xơ gây nhuận tràng và giảm hấp thu chất béo, làm thức ăn kiêng cho người béo phì.

Một số vùng dân cư người ta quen dùng rau tàu bay phòng chống côn trùng, rắn rết cắn, bằng cách giã nhuyễn xoa đắp lên chỗ bị tổn thương.

Có người khoái mùi vị đặc trưng của rau tàu bay. Nhưng có ý kiến cho rằng ăn nhiều và thường xuyên rau tàu bay sẽ bị thiếu máu. Để khắc phục tình trạng đó thì cần làm toan hóa rau tàu bay bằng cách phối hợp chấm nước mắm chanh hoặc làm rau trộn có chanh hoặc giấm để tăng hấp thu sắt tạo huyết sắc tố. Cũng có ý kiến dùng kéo dài rau tàu bay có thể bị sỏi thận. Do đó nên ăn thay đổi những món rau rừng khác. Tuy nhiên, những ý kiến này chưa được khoa học kiểm chứng.

Nấu canh rau tàu bay nên lắng bỏ phần dầu để khỏi bị có mùi hắc như mùi xăng rất đặc trưng của rau tàu bay, rồi mới cho gia vị vào, thì sẽ thơm ngon.

Cỏ tàu bay - Chromolaena odorata (L) King et Robinson. Tên đồng nghĩa: Eupatorium odoratum L. Thuộc họ Cúc - Asteraceae

Tên thường gọi: Cỏ lào

Tên khác: Cỏ tàu bay, Bơm bớp, Cây cộng sản

Tên tiếng Anh:

Tên khoa học: Chromolaena odorata (L) King et Robinson.

Tên đồng nghĩa: Eupatorium odoratum L.

Thuộc họ Cúc - Asteraceae

Mô tả

Cây thảo mọc thành bụi, có thân cao đến 2m hay hơn. Cành nằm ngang, có lông mịn. Lá mọc đối, hình trái xoan nhọn, mép có răng, cuống dài 1-2cm, có 3 gân chính. Cụm hoa xếp thành ngù kép, mỗi cụm hoa có bao chung gồm nhiều lá bắc xếp 3-4 hàng. Hoa nhiều, có màu hoa đào. Quả bế hình thoi, 5 cạnh, có lông.    Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. 
Mang hoa ở đầu cành

Bộ phận dùng

Toàn cây, chủ yếu là lá - Herba seu Folium Chromolaenae.

Nơi sống và thu hái

Cây có nguồn gốc ở đảo Angti, được truyền bá vào nước ta, gặp nhiều ở các vùng đồi núi khắp nơi. Cỏ lào mọc rất khỏe, phát triển nhanh trong mùa mưa. Nó có khả năng tái sinh rất mạnh, cho năng suất cao 20-30 tấn/ha. Có thể thu hái lá và toàn cây quanh năm. Thường dùng tươi.

Thành phần hoá học

Cỏ lào chứa 2,65% đạm; 0,5% phosphor và 2,48% kalium. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, alcaloid, tanin.

Tính vị, tác dụng

Theo Đông y cỏ tàu bay có vị đắng, ấm. Có sách nói mùi thơm, có sách cho là hôi nên còn có nơi gọi cỏ hôi. Đây là vị thuốc chữa chấn thương của quân và dân cả nước trong kháng chiến do có tính năng hành huyết, chỉ huyết, sát khuẩn, giải độc, tiêu sưng, giảm đau. Có tác dụng cầm máu rất hiệu quả, đối với trường hợp chảy máu ngoài chỉ cần vò nát hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương là máu thôi chảy (tất nhiên với vết thương nặng phải dùng biện pháp thích hợp để tránh hậu họa). Cỏ lào có vị hơi cay, tính ấm, có tác dụng sát trùng, cầm máu, chống viêm. Nước sắc Cỏ lào có tác dụng kháng khuẩn, ức chế được vi khuẩn gây mủ trên vết thương và trực trùng lỵ Shigella. Cỏ tàu bay chế dạng nước sắc, sirô để chữa lỵ, tiêu chảy trẻ em, chữa đau nhức xương người lớn. Chữa lở ghẻ thì dùng lá tàu bay giã nhuyễn xoa xát hoặc nấu nước ngâm tắm rửa. Để phòng chống đỉa cắn thì cũng làm như vậy để xoa xát tay chân... Rễ cỏ tàu bay sắc nước uống chữa sốt.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Thông thường ta hay dùng lá tươi cầm máu vết thương, các vết cắn chảy máu không cầm. Cũng được dùng chữa bệnh lỵ cấp tính và bệnh ỉa chảy của trẻ em; chữa viêm đại tràng đau nhức xương, viêm răng lợi, chữa ghẻ, lở, nhọt độc. Ở Trung Quốc, người ta dùng lá xát hoặc lấy nước bôi vào chân phòng vết cắn, bỏ lá xuống ruộng ngâm nát 1-2 ngày để trừ ấu trùng ký sinh trùng (thể xoắn ốc có móc câu ở đầu) phòng khi xuống ruộng khỏi bị lây. Cỏ lào dùng làm phân xanh có tác dụng diệt cỏ và làm giảm tuyến trùng ở trong đất.

Cách dùng

Lá Cỏ lào pha dưới dạng xirô từ nước hãm (dùng lá non rửa sạch, vò nát, hãm trong nước nóng, cứ 5g lá lấy 15ml nước hãm, sau đó đem phối hợp với đường, cứ 500ml nước hãm hòa với nước pha 900g đường đã đun sôi) dùng chữa lỵ và ỉa chảy. Nước sắc Cỏ lào dùng uống chữa đau nhức xương. Lá non nấu tắm chữa ghẻ, khi tắm dùng bã xát vào mụn ghẻ trong vòng 5-6 ngày là khỏi. Lá tươi vò hay giã đắp cầm máu vết thương.

Tên thường gọi: Cỏ lào, Tên khác: Cỏ tàu bay, Bơm bớp, Cây cộng sản

Những thông tin khác về Cỏ tàu bay

Cỏ tàu bay - bơm bớp, bớp bớp, cây cỏ Lào, cây cộng sản. Cây có tên tàu bay vì hoa bay khắp nơi trong gió như tàu bay. Gọi cây cộng sản vì cỏ này phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng khắp nơi. Tên cỏ Lào thì chưa thấy ai giải thích. Tên khoa học Chromolaena odorata(L) King et Robinson.

Quân y viện Binh đoàn 12 (Binh đoàn Trường Sơn) dùng cao đặc cỏ tàu bay bôi chữa viêm lợi, viêm ổ răng sau mổ đạt kết quả tốt. Viện mắt Trung ương nghiên cứu dùng lá non cỏ tàu bay làm thuốc chữa viêm giác mạc.

Cỏ tàu bay giã nát hoặc chặt nhỏ cho xuống ruộng lúa, sẽ cho tác dụng diệt các loại ký sinh trùng hại người, trừ được cỏ dại, có lẽ do tinh dầu mùi xăng và alcaloid mà nó chứa.