Hình ảnh cây Còng da
Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu cây Còng da
Còng da, Xương cá - Calophyllum membranaceum Gardn. et Champ., thuộc họ Măng cụt - Clusiaceae.
Mô tả: Cây nhỏ cao 1-5m, thân to cỡ 10cm; nhánh có 4 cạnh nhọn hơi dẹp, lúc non có lông sát. Lá có phiến tròn dài bầu dục; dài 6-12cm, rộng 1,5-4cm, tù nhọn hai đầu, mỏng nhưng cứng, bóng, gân phụ khít nhau; cuống lá 0,5-1,4cm. Cụm hoa 3-5 hoa; lá bắc bầu dục; phiến hoa 8 (12); nhị nhiều.
Quả hạch bầu dục dài 1-1,2 (1,8)cm.
Ra hoa vào mùa hè.
Bộ phận dùng: Rễ, lá - Radix et Folium Calophylli.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở rừng Quảng Ninh, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hoà Bình, Ninh Bình... Cũng phân bố ở Nam Trung Quốc. Thu hái rễ lá quanh năm, hoặc chỉ vào mùa thu hay mùa đông; dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Vị hơi đắng, tính bình; có tác dụng trừ thấp, giảm đau, mạnh cơ gân.
Công dụng, chỉ định và phối hợp Thường dùng chữa: 1. Thấp khớp đau nhức xương, lưng và tay chân đau mỏi; 2. Đòn ngã tổn thương; 3. Viêm gan vàng da; 4. Kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh. Liều dùng rễ và lá 15-30g, dạng thuốc sắc. Lá thường dùng ngoài đắp trị vết thương chảy máu.
Đơn thuốc (ở Trung Quốc):
1. Thấp khớp đau nhức xương, đau khớp và tay chân; dùng rễ Còng da 30-60g, nấu với thịt lợn ăn như thức ăn.
2. Vết thương chảy máu: Giã lá đắp vào chỗ đau.