Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh
Chùa Hải Sơn nằm ở thị xã sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Nơi đây không chỉ có tiếng gõ mõ, tụng kinh, mà hàng ngày còn vang lên tiếng cười nói, ê a của những đứa trẻ. Không ai biết cha mẹ các em là ai, chỉ thấy các em vui đùa, hồn nhiên với những mái tóc đặc trưng của nhà Phật.
Từ lâu, ngôi chùa Hải Sơn là chốn quen thuộc khi người ta nhắc đến nơi chăm sóc, nuôi nấng những em nhỏ mồ côi. Ở đây, các em được cắt tóc như những chú tiểu, 3 chỏm khi còn nhỏ và 2 chỏm khi lớn lên. Bởi trong chùa, các em là con Phật.
Trụ trì chùa Hải Sơn là sư thầy Thích Nữ Minh Chơn, người đã hơn 10 năm làm mẹ chung của hàng chục em nhỏ. Đa phần các em đều bị bỏ rơi, bị cha mẹ đặt ở đâu đó trong chùa và cả những bé khuyết tật, nhưng nơi đây không từ chối bất cứ đứa trẻ nào.
Theo sư cô Thích Nữ Minh Chơn - trụ trì chùa Hải Sơn, từ khi thành lập năm 1998 đến nay, thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, ngôi chùa luôn tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, nhằm góp phần cùng Nhà nước làm tốt công tác từ thiện, tạo điều kiện cho các em ổn định đời sống trong sự yêu thương, chăm sóc thể chất và tinh thần.
"Hiện chùa đang nuôi dưỡng 43 trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nơi đây, các con được lớn lên trong tình yêu thương, nâng đỡ, dìu dắt của các sư cô và chính bản thân các con luôn biết nương tựa, đoàn kết với nhau như gia đình ruột thịt", sư cô Minh Chơn tâm sự.
Sư cô như từ mẫu
Ngồi nhớ lại những lần nhận nuôi trẻ, sư cô Minh Chơn kể, vào một đêm tháng 8-2006, khi mọi người đã ngủ say, sư cô vẫn ngồi đọc sách và bỗng nghe văng vẳng tiếng trẻ khóc ngoài cổng chùa.
Thấy lạ, sư cô chạy ra xem thì phát hiện một trẻ sơ sinh khoảng 2 tháng tuổi. Đính trên người cháu là tờ giấy với những dòng chữ nghiêng vẹo: "Đứa con này sinh ra không mong muốn,… bị người yêu phụ bạc, tôi không có điều kiện nuôi dưỡng. Nay nhờ nhà chùa nhận nuôi giúp".
Sinh ra đã thiếu cân, lại được bọc sơ sài trong một tấm khăn mỏng, phơi mình hàng giờ trong sương đêm giá lạnh nên khi đem vào phòng, toàn thân bé lạnh toát, tím tái, hơi thở yếu dần nên sinh mạng lúc ấy chẳng khác gì "chỉ mành treo chuông".
Các sư cô thay nhau thức cả ngày lẫn đêm để săn sóc từng giọt sữa, giấc ngủ cho cháu. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các sư cô, cháu dần dần bình phục. Sau này, cháu gái đó được đặt tên là Phan Nguyễn Bảo Ngọc.
Câu chuyện về cậu bé kháu khỉnh Phan Nguyễn Bảo Trung cũng thật đáng thương. Trung bị bỏ lại trước cổng chùa khi cháu còn chưa rụng rốn. Cậu bé khó nuôi, cứ vài ba hôm lại ốm, cơ thể tím tái. Hồi ấy, các sư cô phải liên tục thay phiên nhau bế bồng, vì cứ hễ đặt xuống giường là cháu khóc mãi không thôi.
Nhiều hôm cháu lên cơn sốt cao, các sư cô lòng lo lắng không yên, sợ cháu không qua khỏi. Một thời gian sau, các sư cô đành gửi cháu cho một người trông trẻ bên ngoài với số tiền công nuôi là 600 ngàn đồng/tháng. Người trông trẻ nuôi được vài ba tháng, nhà chùa hết tiền nên đã bế Trung về. Bây giờ, Trung được 5 tuổi, ngoan hiền, khỏe mạnh chứ không ốm yếu như trước đây.
Các cháu đều được khai sinh theo họ Phan và Nguyễn. Đây là họ trước khi xuất gia của sư cô Thích Nữ Minh Chơn và sư cô Thích Nữ Minh Kỉnh.
Dù không có quan hệ máu mủ, nhưng các sư cô ở đây đều yêu thương các cháu hết mực. Nhìn cách họ chăm sóc cho các cháu, chúng tôi thầm cảm phục sự chịu thương chịu khó của những con người yêu trẻ ấy. Mỗi lần cho các cháu ăn uống là cả một kỳ công. Đối với những bé còn nhỏ, cứ 3 tiếng đồng hồ, các sư cô cho uống sữa một lần, bất kể trời sáng hay tối khuya.
Gần 20 năm tiếp nhận những đứa trẻ mồ côi, chùa Hải Sơn trở thành điểm tựa, mái nhà cho hàng chục đứa trẻ thiếu vắng tình thương. Đảm đương chuyện chăm sóc, nuôi dưỡng với bấy nhiêu đứa trẻ vốn không phải là việc dễ dàng. Thế nhưng qua lời chia sẻ của sư cô Minh Chơn, mọi khó khăn, vất vả lại nhẹ hẫng như mây trời, rằng: "Đều là những vất vả vì tương lai tốt đẹp hơn của các con nên mình lấy vất vả đó làm niềm vui".
Những người có trách nhiệm ở ngôi chùa này luôn nghĩ đến việc cuộc sống tự lập của các cháu sau này khi rời khỏi chùa nên việc giáo dục kiến thức, đạo đức cho các cháu, nhằm hình thành nhân cách tốt của một công dân là mục tiêu hàng đầu.
Các cháu được tiếp cận kiến thức phổ thông như bạn cùng tuổi. Hiện tại có 8 cháu được học tại các trường mầm non; 8 cháu học phổ thông; 5 cháu khác sau khi tốt nghiệp THPT thì đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
Sư cô Minh Chơn bảo, nếu không có kiến thức thì dù nuôi dưỡng đến mấy, sau này các cháu cũng không thể có một tương lai tươi sáng hơn được. Vì thế, các sư cô thường dạy cho các cháu câu: "Duy tuệ thị nghiệp", tức là duy trì trí tuệ để có một sự nghiệp tốt đẹp. Ở đây, các cháu còn được trang bị sách, báo, tạp chí, tivi để đáp ứng nhu cầu giải trí và thông tin.
Biết các cháu ngoan, hiền, lễ phép lại hanh thông sự học nên nhiều người có điều kiện ngỏ lời xin các cháu về làm con nuôi. Lúc đầu các sư cô cũng muốn chu toàn tâm nguyện của họ, bởi nếu được vậy, cuộc đời các cháu sẽ thêm nhiều may mắn. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, ai cũng không yên tâm vì đời các cháu đã một lần bất hạnh, cho đi rồi liệu có được sống sung sướng hay lại càng bất hạnh hơn.
"Khi đã đến được cửa chùa, âu cũng là cái duyên của các cháu với nhà Phật. Dù có đói nghèo, thiếu thốn đến đâu, chúng tôi cũng cố gắng chăm sóc, nuôi nấng, cho các cháu ăn học thành người. Vả lại, gần gũi các cháu đã lâu, không khác con ruột của mình, nay xa dù chỉ một phút, các sư cô không cầm lòng được", sư cô Minh Chơn tâm sự.
Mọi sự đóng góp hảo tâm quý vị liên hệ trực tiếp với nhà chùa tại địa chỉ Facebook chính thức có kèm số điện thoại liên hệ ạ: Chùa Hải Sơn _ Sông Cầu