Hình ảnh bệnh nhân gout
Gout là một dạng viêm khớp, đối tượng cao thường bị gout là nam giới từ 30 tuổi trở lên. Gout gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, đây là bệnh được xếp vào nhóm các bệnh lý gây đau nhức nhiều nhất cho người bệnh với các biến chứng có thể phát sinh như sau:
Gây hỏng khớp, bại liệt chi:
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh gout vì nó có thể làm hỏng khớp, mất khả năng vận động của các khớp tay, chân. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các hạt cứng dưới da sẽ ngày càng lớn dần, chèn ép hệ thần kinh và mạch máu, đôi khi còn bị vỡ, lở loét và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát sinh nhiều bệnh khác.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh gout là gây hỏng khớp, bại liệt chi, tổn thương thận...Ảnh: Internet
Tổn thương thận
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới khớp xương, bệnh gout còn gây ra các nguy cơ tổn thương thận, chủ yếu là viêm ở khe thận, cầu thận. Người bị bệnh gout dễ bị mắc suy thận là do nồng độ axit uric trong máu tăng cao và được đào thải qua đường nước tiểu là điều kiện thuận lợi để muối urat lắng đọng tại hệ thống dẫn niệu, gây sỏi thận. Cũng có khi, nhiều bệnh nhân không biết thận đang bị tổn thương nên vẫn dùng các thuốc điều trị gout nhưng gây độc cho thận khiến nguy cơ sỏi thận tăng lên hoặc ngày càng trầm trọng nên gây ra hậu quả là bị suy thận.
Tăng nguy cơ đột quỵ, tai biến
Đây là biến chứng nguy hiểm của gout. Nguyên nhân do tinh thể urat lắng đọng ở những mảng xơ vữa trong lòng mạch máu, gây tổn thương hệ mạch, giảm lưu thông máu, tổn thương van tim, đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout. Người bị gout thường có nguy cơ đột quỵ, tai biến cao gấp nhiều lần so với người bình thường.
Một loại biến chứng nữa cũng hay gặp ở người bệnh gout là dễ nhầm lẫn với viêm khớp nhiễm khuẩn. Trong trường hợp bị chẩn đoán nhầm, người bệnh điều trị bằng nhiều loại kháng sinh khác nhau sẽ có nguy cơ bị dị ứng thuốc kháng sinh, thậm chí gây tử vong.
Bệnh gout cũng dễ nhầm lẫn với viêm khớp dạng thấp, khi đó việc điều trị tràn lan bằng nhiều loại thuốc có thể dẫn tới biến chứng lao, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Ngoài ra, bệnh Gout sẽ khiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, người bệnh gặp khó khăn khi vận động, sinh hoạt, làm việc do gout gây ra các cơn đau dữ dội tại các khớp ngón chân, bàn chân, khớp ngón tay, khủy tay, đầu gối,… Đặc biệt, người bệnh dễ bị mất ngủ đầu óc luôn căng thẳng, mệt mỏi và dễ bị stress do các cơn đau thường xuất hiện và tăng mạnh vào ban.
Trong quá trình điều trị bệnh gout, việc sử dụng nhiều thuốc cũng có thể gây nên tai biến. Cụ thể, các thuốc chống viêm không steroid có thể gây tổn thương nhiều cơ quan như máu, thận, tiêu hóa, dị ứng.
Vì vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh ngoài việc kết hợp với hướng dẫn điều trị từ bác sỹ cũng cần tuân thủ chế độ ăn uống kiêng những loại thực phẩm, nước uống.... có khả năng làm tăng nhanh lượng acid uric máu, nên ăn nhiều loại quả, canh, rau có lợi cho xương khớp. Bệnh nhân bị gout cũng cần có chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh mọi mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất như tránh lạnh, lao động quá mức, chấn thương, stress...
Thanh Phượng (t/h)