Mang đến những điều kỳ diệu cho bệnh nhân
GS.TS Tạ Thành Văn Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, trưởng nhóm liệu pháp miễn dịch trị liệu tế bào hỗ trợ điều trị ung thư tại Việt Nam cho hay, sau hơn một năm triển khai thử nghiệm, dự án đã có kết quả bước đầu rất khả quan.
Bệnh nhân hơn 70 tuổi tại Hà Nội mắc ung thư mạc treo giai đoạn cuối, suy kiệt chỉ nằm một chỗ chăm sóc giảm nhẹ. Mọi hy vọng điều trị bệnh ung thư của bệnh gần như không còn.
Sau đó, gia đình bệnh nhân đã quyết định cho bệnh nhân tham gia vào dự án liệu pháp miễn dịch hỗ trợ điều trị ung thư của Đại học Y Hà Nội.
Điều kỳ diệu đã xảy ra, sau 3 liệu trình điều trị, bệnh nhân đã có thể đứng lên đi lại, tự đi xe bus điều trị bệnh. Bệnh nhân có thể chơi với cháu liên tục trong 5 giờ đồng hồ.
Còn trường hợp khác bệnh nhân N.V N (50 tuổi, Hà Nội) mắc ung thư xương giai đoạn cuối, bệnh nhân vô cùng đau đớn không thể ngủ được.Bệnh nhân đau tới mức đã phải dùng mocphin truyền đường tĩnh mạch, nhưng cũng không thể giảm được đau.
Sau khi, dùng liệu pháp miễn dịch tế bào bệnh nhân đã giảm đau, ngủ được, cuộc sống tốt hơn.
Theo GS. Tạ Thành Văn kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đáp ứng rất tốt, một số bệnh nhân đáp ứng vừa phải. Đa phần các bệnh nhân đều nâng cao được chất lượng cuộc sống.
Người Việt sẽ được dùng liệu pháp miễn dịch giá rẻ
Nếu như 99,9% sinh viên trường y ra trường đều có ước mơ trở thành bác sĩ (khám bệnh, chữa bệnh) thì GS. Tạ Thành Văn lại khác. Ông là một trong số ít "học sinh cá biệt" sau tốt nghiệp chọn học nội trú ngành hóa sinh.
Gần 10 sống và làm việc trên nước Nhật GS. Tạ Thành Văn luôn ấp ủ nghiên cứu liệu pháp miễn dịch tế bào để hỗ trợ điều trị ung thư "giá rẻ" cho người Việt Nam.
Sau khi, về nước GS. Tạ Thành Văn đã hiện thực mong muốn đó trong đề tài nghiên cứu cấp Bộ về liệu pháp miễn dịch tế bào hỗ trợ điều trị ung thư.
GS. Tạ Thành Văn cho hay, nghiên cứu về miễn dịch trên thế giới trong ung hiện có hai hướng đi. Hướng đi thứ nhất kích hoạt các hệ thống tế bào miễn dịch hoạt động mạnh hơn để nhận diện và tiêu diệt chính xác tế bào ung thư.
Còn hướng nghiên cứu thứ hai là lấy tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân ra ngoài cơ thể để nhân lên, biệt hóa trong những điều kiện đặc biệt, rồi truyền lại cho bệnh nhân, để tiêu diệt tế bào ung thư.
Đề tài liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của GS.Văn và cộng sự đã đi theo hướng thứ 2.
"Liệu pháp trị liệu ung thư Đại học Y Hà Nội đang thực hiện tập trung điều trị 5 căn bệnh ung thư gặp phổ biến tại Việt Nam như: ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, ung thư trực tràng",GS. Tạ Thành Văn nói.
Một liệu trình điều trị gồm 3 tháng, 6 lần truyền, 2 tuần/lần. Liệu pháp miễn dịch trên điều trị cho tất cả bệnh ung thư mô đặc (trừ ung thư máu).
"Tế bào miễn dịch trong cơ thể khi chưa biệt hóa giống như những "tân binh". Khi được đưa ra ngoài sẽ được biệt hóa – "huấn luyện" thành những "chiến sĩ đặc nhiệm", rồi đưa vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư",GS. Tạ Thành Văn giải thích.
Phương pháp miễn dịch trị liệu tế bào giúp hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả thông qua tăng cường sức đề kháng của bệnh nhân, áp dụng cho người bị ung thư giai đoạn 3 trở đi. Đây là phương pháp điều trị an toàn không gây ra tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Các bước điều trị của liệu pháp miễn dịch nghiên cứu tại Việt Nam
Bước 1: Bệnh nhân được lấy 10-30ml máu ra để phân lập các tế bào miễn dịch (khoảng vài triệu).
Bước 2: Tế bào miễn dịch được nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt để đạt được số lượng vài tỷ tế bào sau 2 tuần.
Bước 3: Các tế bào miễn dịch hoạt hóa sẽ được truyền lại, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh và đặc hiệu tiêu diệt các tế bào ung thư.