Cứ vào cuối năm, tôi thấy mọi người tranh cãi về chủ đề ăn Tết bên nội hay bên ngoại; phụ nữ phải làm quá nhiều trong dịp Tết; đi du lịch Tết thì có "vi phạm" điều gì không?
Những ngày nghỉ tết vừa qua, anh chị em tôi, những gia đình trẻ, gặp nhau cũng tranh luận khá nhiều về những chủ đề đó. Tôi viết bài này không phải để phản bác lại các quan điểm khác nhau của mọi người. Tôi muốn nói lên quan điểm riêng của mình, ở góc nhìn của bản thân. Vì xã hội muôn hình vạn trạng, không thể áp đặt tư tưởng, càng không thể nói ai đúng, ai sai trong chuyện này.
Tôi muốn nói về vấn đề ăn Tết bên nội hay ngoại? Hay mỗi năm ăn tết ở một bên? Đối với những gia đình trẻ, đi làm ăn xa quanh năm, không ở cùng nhà nội hoặc ngoại; đặc biệt hơn nữa hai gia đình lại ở cách xa nhau cả vài trăm cây số, thì đây là vấn đề không dễ quyết định.
Chồng thường muốn về quê nội, vì quan điểm "thuyền theo lái, gái theo chồng". Điều này thường bị các chị em chỉ trích là cổ hủ, áp đặt và thường đòi lại sự công bằng với phương án mỗi năm ăn Tết ở một bên.
Tôi là đàn ông, nhưng nếu ở trong trường hợp này thì cũng thấy khó. Tuy nhiên, thử hình dung xem, nếu chúng ta nhận được điện thoại của bố nói là mẹ yêu cầu cả gia đình năm nay ăn Tết bên bà ngoại thì sẽ thế nào? Rồi ông bà ngoại sang ăn tết ở bên cụ ngoại nữa thì sao?
Tôi nghĩ rằng việc mỗi năm ăn Tết ở một bên thì chỉ áp dụng được với cặp vợ chồng mới cưới nhau mà thôi. Con gái thường sống tình cảm và nói thật là ở nhà thường được cưng chiều hơn nên rất muốn về nhà với bố mẹ mình.
Nhưng sau khi có con rồi sẽ khác. Con lớn rồi sẽ lại khác nữa. Khi con cái đi học, đi làm xa thì cũng đều muốn về nhà để gặp bố mẹ mỗi dịp được nghỉ lễ. Vậy nên các ông chồng trẻ cứ chiều vợ của mình, vợ sẽ sớm làm chủ gia đình và là một phần chính thức của họ tộc bên chồng thôi.
Lúc này, quay trở lại quan điểm "thuyền theo lái, gái theo chồng có cổ hủ" không? Có đáng bị chỉ trích không? Hay đó là một phong tục tốt? Tôi là một người trẻ, và tôi nghĩ đó là một phong tục rất tốt. Nếu cứ theo đó thì mọi người sẽ thoải mái. Sẽ là tuyệt vời nếu một gia đình có đầy đủ ông, bà, bố, mẹ và các con cháu sum vầy.
Để có được hạnh phúc đó, thì bao đời nay người phụ nữ đã theo chồng, coi gia đình nhà chồng là nhà mình. Và thật sự tôi thấy gia đình nhà nào cũng vậy, luôn mặc định coi con dâu là con mình. Dù có thể quan hệ mẹ chồng, nàng dâu nhiều nhà không được như mong muốn, nhưng mỗi khi gia đình có việc gì cũng sẽ bàn bạc với con trai và con dâu chứ không thấy nhà ngoại nào gọi con gái và con rể.
Tôi nghĩ, không có sự công bằng nào tuyệt đối cả. Nếu cái gì cũng công bằng thì không còn là xã hội nữa. Và để giúp cho người phụ nữ đỡ cảm thấy thiệt thòi thì các cụ mình đã nói "gái có công, chồng không phụ". Sự hy sinh và thiệt thòi của người phụ nữ muôn đời không thể nói hết. Để mỗi gia đình hạnh phúc thì cần phải có những người phụ nữ chấp nhận thiệt thòi.