Cây Dây lõi tiền - Stephania japonica (Thunb.) Miers

Dược liệu Dây lõi tiền có Vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng. Thường được dùng trị rắn cắn, ghẻ ngứa; còn dùng chữa đái dắt, đái buốt. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát.

Dây lõi tiền - Stephania japonica

Dây lõi tiền - Stephania japonica (Thunb.) Miers, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.

Mô tả: Dây leo, không lông, thân mảnh. Lá có phiến hình lọng, xoan rộng, đầu tù, mặt dưới không mốc, không lông, gân gốc 5-7 toả hình chân vịt; cuống dài 4-12cm. Tán kép xuất hiện trên thân có lá, cuống cụm hoa và cuống hoa không lông; tán hoa hình cầu, cuống dài 2,5-4cm, hoa đực có 6-8 lá đài không lông, 3-4 cánh hoa; hoa cái với 3-4 lá đài, 3-4 cánh hoa, 1 lá noãn có đầu nhuỵ chẻ 3-5. Quả hạch tròn, to 6-8mm, màu đỏ. Nhân hình móng ngựa.

Bộ phận dùng: Rễ và toàn dây - Radix et Herba Stephania Japonicae, thường có tên gọi là Thiên kim đằng.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc rải rác từ Bắc vào Nam trong các lùm bụi. Còn phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin. Thu hái dây, rễ quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.

Thành phần hoá học: Rễ chứa tinh bột; còn có các alcaloid như Stephanin, prostephanin, epistephanin, pseudoepistephanin và homostephanolin.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị rắn cắn, ghẻ ngứa; còn dùng chữa đái dắt, đái buốt. Ngày dùng 6-12g cây khô sắc uống, hoặc dùng dây lá tươi giã nát, hoà nước, gạn uống. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát.