Cô Vương đã ăn quá nhiều mía bị mốc.
Người phụ nữ mất mạng chỉ vì ăn quá nhiều mía có lõi màu đỏ
Vào ngày 6/2, một ngày đẹp trời, cô Vương (Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc) cùng gia đình đến vùng ngoại ô để leo núi. Chồng của cô Vương nói: “Bởi vì trời nóng, chúng tôi vừa leo núi vừa ăn mía. Thực tế khi đó tôi cũng cảm thấy mía có vấn đề, mía có lõi màu đỏ, nhưng vợ tôi tiếc không vứt nó đi, kết quả là mọi người trong gia đình đều không ăn, cơ bản chỉ một mình vợ tôi ăn hết số mía còn lại”.
Sau khi xuống núi, cô Vương và những thành viên khác trong gia đình cùng ăn mía đều xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn ói, đau ngực, tuy nhiên riêng cô Vương là người bị nặng nhất. Gia đình vội vã đưa cô Vương đến Bệnh Viện Minh Châu thuộc Đại học Chiết Giang để chẩn đoán.
Khi mới đến bệnh viện, không kịp thời làm hết các xét nghiệm, cô Vương đã xuất hiện tình trạng phổi bị sưng, độ bão hòa oxy trong máu giảm, suy hô hấp và các dấu hiệu sinh tồn không ổn định. Bác sĩ Triệu Chí Cường, thuộc Khoa cấp cứu của Bệnh viện Minh Châu cho biết: “Theo như miêu tả của người nhà bệnh nhân, kết hợp với các triệu chứng bệnh hiện tại, về cơ bản chúng tôi xem xét đến vấn đề ngộ độc mía nghiêm trọng”.
Mặc dù bệnh nhân sau khi nhập viện đã được các bác sĩ ở khoa gây mê, ICU, khoa tim và các khoa khác cùng nhau hội chẩn. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên cô Vương khởi phát bệnh cấp tính, các bác sĩ đã đặt nội khí quản cấp cứu và lập tức đưa vào ICU, nhưng tình trạng của cô Vương không khả quan, chức năng của các cơ quan trong cơ thể đã bị suy yếu, cuối cùng dẫn đến tử vong.
Tại sao ăn mía lại có thể dẫn đến tử vong?
Mía là một loại trái cây thường trưởng thành vào mùa thu, mía hiện nay ăn đều đã được bảo quản. Điều kiện bảo quản tốt, vẫn giữ được lượng nước và hương vị ban đầu, cũng vẫn có thể ăn bình thường. Nhưng nếu trong quá trình vận chuyển, phương thức bảo quản và điều kiện môi trường không tốt, thì có thể dẫn đến sản sinh nấm mốc (đó chính là những chấm đỏ trong lõi mía) và tạo ra một lượng lớn chất độc.
Trên cây mía có một loại nấm mốc được gọi Arthrinium, một loại chất cực độc, chuyên sản sinh một loại độc tố thần kinh có tên “Axit 3-nitropropionic”, loại độc tố này chủ yếu gây tổn thương tới hệ thống thần kinh trung ương. Chỉ cần ăn phải chưa đến 0,5g chất này đã đủ gây ra hiện tượng ngộ độc ở người.
Thời gian ủ bệnh thông thường là 2-5 tiếng, một số bệnh nhân khi nhiễm độc có thể sau 2 ngày mới phát bệnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện chỉ 10 phút sau khi ăn mía bị mốc.
Khi bị ngộ độc, người bệnh thường có các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy, chóng mặt, nặng hơn có thể xuất hiện co giật, hôn mệ, dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác hoặc hệ thần kinh trung ương, nghiêm trọng bệnh nhân còn có thể bị mù mắt, toàn thân co giật, cuối cùng là tử vong.
Axit 3-nitropropionic chịu được ở nhiệt độ cao và rất khó loại bỏ, việc rửa sạch sẽ hoặc nướng trên lửa cũng không ảnh hưởng và không làm giảm độc tính của chất này. Do đó, một khi phát hiện cây mía có những đốm đỏ, bạn nên bỏ đi ngay lập tức. Khi ăn mía, chúng ta nên quan sát, chọn lựa kỹ càng để tránh trúng độc.
Mía có hiện tượng lõi đỏ, tức là mía đã bị biến chất, gây ra độc tố nguy hiểm cho cơ thể con người
Cách thức để lựa chọn mía “chuẩn”
- Chọn cây mía có thân to khỏe, bề ngoài trơn bóng, vỏ thân cây mía có màu tím, trên thân cây còn bám một lớp phấn màu trắng.
- Nên xem kỹ thân cây, nếu có thể thì nên ngửi thử. Cây mía chuẩn là khi dóc vỏ, phần thịt mía có màu trắng sáng, chắc chắn, chứa nhiều nước, có vị mát. Nếu phát hiện cây mía có vị lạ giống như bị nhiễm độc thì không nên chọn.
- Nên chọn lựa cây mía cỡ trung. Không nên chọn cây mía có thân quá nhỏ hoặc quá to.
- Nên chọn cây mía có thân thẳng, không nên chọn cây có thân cong. Cây mía cong vẹo có thể có côn trùng bên trong.
Hiện tại, các bác sĩ cho biết chưa có cách điều trị hiệu quả cho tình trạng ngộ độc mía mốc. Nếu bị nhiễm độc trước tiên gây nôn, rửa dạ dày, đến bệnh viện càng sớm càng tốt.