Dây gân, Dây cồng cộng, Đồng bìa dài cựa - Ventilago cristata Pierre, thuộc họ Táo ta - Rhamnaceae.
Mô tả: Cây nhỏ mọc leo, dài khoẻ, cành non hơi dẹt, sau tròn, màu xám đen. Lá mọc so le, thuôn, hình giáo, tròn và tù ở gốc, có mũi ở chóp, láng chói, không có lông, 10-13 cặp gân phụ mảnh nổi rõ ở cả hai mặt. Chùm hoa dày ở nách lá. Hoa nhỏ (2-3mm). Quả có cánh, không lông, đầu tù.
Cây ra hoa tháng 1, có quả tháng 4-5.
Bộ phận dùng: Dây - Caulis Ventilaginis Cristatae.
Nơi sống và thu hái: Cây của miền Đông Dương, phân bố ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc trong rừng thứ sinh các tỉnh phía Nam. Có thể thu hái dây quanh năm.
Tính vị, tác dụng: Dây gân có vị hơi cay, tính ấm, không độc, có tác dụng khu phong, hoạt huyết.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa vọp bẻ, co gân, chân tay co quắp, mình mẩy đau nhức, bán thân bất toại. Có người còn dùng Dây gân phối hợp với Nam xích thược, rễ Cam thảo, Hoắc hương, Tía tô, Ngải cứu, Dền gai, đồng vị sắc uống trị cảm gió, chân tay lạnh.
Ghi chú: Người Campuchia dùng nước sắc rễ một loài gần gũi với Dây gân là Ventilago harmandiana Pierre làm thuốc uống chữa các bệnh về đường tiết niệu.