Câu hỏi đặt ra là với việc bổ sung các chất này, chất khác, hay là một loại muối đặc sản vùng miền nào đó có thực sự tốt, đáng đồng tiền hoặc có tăng cường sức khỏe hay không? Hiểu được muối là gì và chức năng của nó trong cơ thể bạn sẽ giúp trả lời những câu hỏi này.
Muối ăn và chức năng của muối trong cơ thể
Muối là một chất rắn có dạng tinh thể, có màu từ trắng tới pha sắc của màu hồng hay xám rất nhạt, thu được từ nước biển hay các mỏ muối. Trong tự nhiên, muối ăn chủ yếu là clorua natri (NaCl), nhưng cũng có một ít các khoáng chất khác (khoáng chất vi lượng). Muối ăn được sử dụng như một thứ gia vị vào thức ăn, nhưng lại có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người và hoạt động của cơ thể. Natri và clo là những yếu tố quan trọng giúp duy trì cân bằng tế bào. Natri là một trong những khoáng chất chủ yếu chịu trách nhiệm duy trì chất điện giải. Nếu không có đủ natri, não sẽ không thể gửi các xung điện cần thiết đến phần còn lại của cơ thể để hoạt động bình thường.
Vị mặn của muối là một trong những vị cơ bản trong ẩm thực. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại muối để chúng ta lựa chọn như muối tinh, muối iốt, muối hồng Himalaya, muối Kosher, muối biển,...
Muối tinh
Muối tinh là sản phẩm từ công nghệ tinh chế muối thô, sau khi loại bỏ tạp chất, thành phần chủ yếu là clorua natri (NaCl), ngoài ra còn có các chất chống vón cục được cho vào thêm trong quá trình tinh chế. Các chất này thường là tricanxi phốtphát, cacbonat canxi hay magiê, muối của các axit béo ôxít magiê, điôxít silic, silicat nátri nhôm, hay silicat canxi nhôm. Trong hai hóa chất sau cùng, tuy có thể có độc tính của nhôm nhưng ngay cả Liên minh châu Âu và Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ vẫn cho phép sử dụng chúng với một liều lượng có điều chỉnh.
Muối iốt
Muối iốt là loại muối phổ biến nhất dùng trong nấu ăn hiện nay. Là muối tinh chế có bổ sung iốt. Đây là một biện pháp cộng đồng rất thành công nhằm phòng ngừa chứng thiếu iốt dẫn đến sự giảm hoạt động ở tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ và nhiều vấn đề sức khỏe khác.Do đó, nếu bạn không sử dụng muối iốt, do sở thích hay điều kiện hạn chế thì có thể bổ sung bằng cách ăn các loại thức ăn giàu iốt như cá, các chế phẩm từ sữa, trứng và rong biển.
Muối Kosher
Muối Kosher là muối ít tinh luyện hơn muối tinh, kết cấu tinh thể dạng mảnh, to, không chặt chẽ, hình dạng kim tự tháp rỗng. Do đó, muối Kosher thường thô, to. Với độ mặn vừa phải (ít muối hơn trong cùng một muỗng đo lường) nên đây là loại muối mà các đầu bếp chuyên nghiệp thích sử dụng nhất do dễ dàng điều chỉnh lượng nêm nếm vào thực phẩm trước, trong và sau khi nấu. Muối Kosher còn đặc biệt thích hợp khi ướp thịt trước khi nấu. Lý do là bởi những tinh thể dạng mảnh của muối giúp thịt giữ được độ ẩm bên trong tốt (không mất nước), khiến sườn mềm hơn, thịt bò ngon ngọt hơn và ức gà mềm, ẩm hơn.
Muối biển
Muối biển được tạo ra bởi sự bốc hơi nước biển. Muối biển có thể có một lượng nhỏ các khoáng chất như kali, sắt, kẽm... có thể mang lại hương vị khác nhau trong nấu ăn nhưng điều này không mang lại lợi ích nào tốt hơn cho sức khỏe. Muối biển vẫn là muối và có cùng một lượng natri trên mỗi trọng lượng như bất kỳ muối nào khác. Ngoài ra, nếu khai thác ở vùng biển ô nhiễm, muối biển thu được từ phương pháp bốc hơi có thể còn có thêm những kim loại nặng không tốt cho sức khỏe.
Muối Himalaya hồng
Chúng được thu hoạch ở mỏ muối Khewra, mỏ muối lớn thứ hai trên thế giới tại Pakistan.Mầu hồng của muối Himalaya là do trong muối này có một lượng nhỏ ôxít sắt, ngoài ra còn có thêm canxi, kali và magie. Lượng natri ít hơn loại muối thường một chút. Đã có thời gian, nhiều người tìm mua muối Himalaya và nhiều thông tin quảng cáo thổi tác dụng của loại muối này lên như thực phẩm chức năng có lợi cho sức khỏe. Vì là muối nhập khẩu và được coi là một thực phẩm đặc sản được nhiều người chuộng nên giá khá đắt. Có người thích mùi vị của muối Himalaya hơn những loại muối khác, nhưng khác biệt lớn nhất ở loại muối Himalaya chính là ở màu sắc của nó, nếu bạn rắc muối này lên món ăn thì sẽ khiến món ăn trở nên đẹp và trông hấp dẫn hơn. Vậy thôi!
Theo nghiên cứu, các loại muối khác nhau đều có hàm lượng natri tương đương nhau. Về nhận thức hương vị, khoáng chất vi lượng như kali, magiê có thể đóng vai trò về mùi vị. Ngoài ra, nếu bạn coi trọng màu sắc khi cho muối lên thức ăn thì bạn có thể chọn lựa muối hồng Himalaya. Có điều, nếu bạn phải mua đắt hơn cho cái tên muối đặc sản hay bởi các vi chất thì phần nhiều là bạn đang trả tiền cho quảng cáo mà thôi. Ngoại trừ iốt được bổ sung vào một cách có chủ đích, các khoáng chất vi lượng trong muối gần như không được chứng minh là có lợi ích nào thêm cho sức khỏe.
Vì thế, chọn lựa muối nào để nấu ăn cần quan tâm nhất là lượng natri. Các hướng dẫn về chế độ ăn uống đề xuất mức tiêu thụ của một người lớn tối đa là 2.300mg natri mỗi ngày (5,8g muối). Điều này thường bị vượt quá và không có lợi cho sức khỏe.
Thụy Anh / theo suckhoedoisong