Nạo phá thai dưới góc nhìn của Phật giáo
Đạo Phật là đạo từ bi và luôn tôn trọng sự sống của muôn loài. Mặc dù đạo Phật không lên án tích cực hành động phá thai nhưng luôn khuyên răn người Phật Tử phải có trách nhiệm với con cái. Với Phật giáo, đời sống của một con người bắt đầu ngay từ lúc thụ thai. Thụ thai là sự kết hợp giữa cha, mẹ và thần thức của một chúng sinh. Thần thức đó đi tìm sự hiện hữu để tiếp tục cuộc hành trình vô tận của sống và chết.
Do đó, hành vi nạo phá thai là đã hội tụ đủ 5 yếu tố để phạm giới sát sinh, đó là:
- Đối tượng bị giết phải là một chúng sinh. Khi vừa mới hành thành bào thai thì Đạo Phật đã xem đó là một sự sống mới hình thành. Và sự sống đó là một chúng sanh thực thụ.
- Người sát sinh phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh. Sau khoảng 2-4 tuần, người mẹ đã nhận diện được sự có mặt của bào thai trong cơ thể mình
- Sản phụ có tác ý giết thai nhi. Khi ấy người mẹ khởi lên ý niệm loại bỏ thai nhi này bằng nhiều cách.
- Người sát sinh phải có một cố gắng/nỗ lực giết bằng mọi biện pháp. Là khi người mẹ áp dụng nhiều biện pháp làm mất đi sự sống của bào thai như: uống thuốc phá thai, nạo thai bằng y học, tác động mạnh đến thai
- Khi bào thai đã chết thì hành đông nạo phá thai là hành động sát sinh.
Đức Phật đã nói rằng “tự phá thai mình” là một tội, phải chịu quả báo hết sức nặng nề và kéo dài. Và Đức Dalai Lama đã khẳng định “Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người”.
Nạo phá thai không những ảnh hưởng đến người mẹ mà tác động không nhỏ đến con. Sức khỏe của người mẹ sẽ bị giảm sút trầm trọng. Đứa trẻ sẽ mất đi cơ hội làm người, một cơ hội để tiến hóa tâm linh và cơ hội để được tái sinh vào cõi an lành. Hơn nữa, đạo Phật dựa vào chân lý của nhân quả nghiệp báo, nên hành vi phá thai đã phạm vào giới sát sinh, từ đó ân thù báo oán sẽ được hình thành giữa người mẹ và đứa trẻ.
Trong thực tế không ít những người phụ nữ đã từng phá thai luôn bị sự dày vò đau khổ kéo dài, cộng thêm là rơi vào một số trạng thái sợ hãi bởi cơn ác mộng về đứa trẻ đó.
Hậu quả về mặt sức khỏe và tinh thần
Làm gì để giảm tình trạng nạo phá thai và khắc phục hậu quả
Cách duy nhất để giảm bớt tình trạng phá thai hiện nay phụ thuộc vào ý thức của giới trẻ trong các mối quan hệ nam nữ. Theo văn hóa của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, người phụ nữ phải giữ trinh nguyên đến đêm tân hôn. Nhưng ngày nay với lối sống phóng khoáng, dễ dãi đã tạo điều kiện thuận lợi để nam nữ gần gũi nhau bất chấp hậu quả hoặc họ chưa đủ ý thức về hậu quả để lại cho dục lạc đó.
Một số người thiếu trách nhiệm và không đủ khả năng để gánh vác hậu quả xảy ra. Vì thế mỗi bậc phụ huynh cũng như xã hội cần trang bị kiến thức về giới tính đầy đủ cho con cái khi bước vào tuổi mới lớn. Đồng thời tìm cách trấn an tinh thần của người phụ nữ để họ toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng bào thai trọn vẹn.
Nếu phải quyết định phá thai do nguyên nhân khách quan, người mẹ cần quán niệm về từ bi, hướng tình thương của người mẹ đến với thai nhi và an ủi thai nhi. Với sự cảm nhận về sự kết nối thiêng liêng giữa mẹ và con, người mẹ có thể tâm sự với thai nhi về quyết định của mình: “Mẹ biết rằng mẹ và con có nhân duyên nhiều đời nên mới gặp nhau ở đây. Tuy nhiên mẹ biết rằng khi ra đời, con sẽ đau khổ. Do đó, chúng ta cùng nhau sám hối những tội lỗi trong quá khứ để có thể gặp lại nhau trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Mẹ sẽ xin quy y Tam Bảo cho con, mong con đời đời kiếp kiếp nương tựa Tam Bảo để giải thoát những nghiệp xấu, tăng trưởng những nghiệp lành…”
Ngoài ra hàng ngày thường tụng kinh, niệm Phật, làm lễ sám hối, cầu siêu để đứa trẻ nhờ vào nguyện lực đó mà xóa dần sự oán thù và những tội nghiệp để tái sinh vào cảnh giới khác. Khi ấy bạn cũng thấy tâm hồn thanh thản hơn.
Dù là nguyên nhân theo ý muốn hay ngoài ý muốn thì nạo phá thai là hành động tiêu cực mà chúng ta cần phải tránh và hạn chế. Nạo phá thai để lại hậu quả không nhỏ và có thể kéo dài suốt cả đời của người mẹ.
Đồng thời nạo thai sẽ khiến bạn gây nên tội nghiệp và trái với tinh thần từ bi của đạo Phật. Do đó, chúng ta phải hiểu rõ về giá trị của sự sống, luôn trao dồi kiến thức về giới tính và nhận diện được hậu quả to lớn của việc phá thai trước những hành động dục lạc theo bản năng của chúng ta, nhằm tránh và giảm thiểu những hậu quả cho mình, gia đình và xã hội.
Minh Chính
Theo pgvn