Nhu cầu sử dụng đá quý để trị liệu, chữa bệnh đang tăng vọt trên thế giới nhưng ít ai biết được rằng đằng sau ngành công nghiệp tỷ đô ấy là một bức tranh đầy ám ảnh.
Triển lãm lớn nhất thế giới về đá quý và khoáng vật được tổ chức hàng năm tại Tucson, bang Arizona Mỹ. Tại hội chợ này các nhà buôn và nhà ngọc học tổ chức những hội thảo về kinh doanh đá quý, về các công nghệ liên quan đến khai thác và chế tác đá. Vô vàn các loại đá quý khác nhau đủ mọi màu sắc, kích thước sẽ được trưng bài tại đây.
Có những viên đá to như một cái bàn ăn được bán với giá hàng chục ngàn đô la và cũng có nhiều loại đá nhỏ có giá bán mềm hơn. Hơn 4.000 nhà cung cấp đá quý và khoáng vật đã đến đây để bày bán những sản phẩm của mình. Họ mong đợi sẽ được hơn 50.000 khách đi ngang qua, để mắt tới và mua về những viên đá quý có giá trị.
Đa phần khách hàng ở đây là chủ sở hữu phòng trưng bày, các doanh nhân hay nhà buôn bán lớn. Các thỏa thuận được quyết định tại triển lãm này sẽ quyết định số phận của hàng chục ngàn tấn đá quý. Chúng sẽ được đưa đi khắp Hoa Kỳ và châu Âu, vào các viện bảo tàng, phòng trưng bày, trung tâm chữa bệnh bằng đá quý, phòng tập yoga, các nhà tư nhân chăm sóc sức khỏe...
5 năm trước, đá quý không phải là một vấn đề lớn. Bây giờ, chúng có giá trị hơn rất nhiều khi được quảng cáo là có tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, tạo thành một hiện tượng tiêu dùng toàn cầu. Nhiều ngôi sao nổi tiếng trên thế giới đều sở hữu những viên đá quý, pha lê để giúp duy trình vẻ đẹp và sức khỏe
Victoria Beckham luôn mang theo thạch anh hồng trong túi xách của cô. Viên đá này được sử dụng như liệu pháp để giúp cô tăng cường tập trung trong những lúc căng thẳng. Katy Perry còn sử dụng thạch anh tím để giữ mình bình tĩnh trước các show diễn. Siêu mẫu Miranda Kerr tiết lộ rằng cô thường để một viên pha lê thạch anh hồng trong áo ngực để khuyến khích yêu thương chính bản thân mình. Không đơn thuần là món đồ trang sức; những viên đá quý còn được lựa chọn tuỳ theo tâm trạng và mục đích của người sử dụng.
Ở Mỹ nhu cầu về đá quý và các tinh thể đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua và nhập khẩu thạch anh đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014. Daniel Trinchillo, chủ sở hữu một đại lý pha lê đá quý cao cấp chia sẻ rằng mỗi năm, doanh thu kiếm được từ 30 triệu đến 40 triệu đô. Khách hàng của Trinchillo chủ yếu là những người nổi tiếng, nhà sưu tập và những người muốn đầu tư vào những viên đá quý hiếm. Trinchillo ước tính rằng các đại lý cao cấp hiện chiếm khoảng 500 triệu đô la doanh thu hàng năm.
Các tín đồ tin rằng những viên đá quý sẽ dẫn những năng lượng xung quanh để truyền tới người dùng, cân bằng những năng lượng ác tính, chữa lành những tổn thương trên cơ thể và trong tâm trí. Ngày càng có nhiều người sử dụng đá quý, những viên pha lê lấp lánh, coi chúng là một nguồn năng lượng tâm linh. Theo dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew, hơn 60% người trưởng thành ở Mỹ nắm giữ ít nhất một niềm tin về chiêm tinh học hoặc sức mạnh của tâm lý học và 42% cho rằng năng lượng tâm linh có thể nằm trong các vật thể như đá quý.
Một góc triển lãm ở Tucson.
Tuy nhiên có một thực tế là không mấy ai quan tâm và thực sự biết quá trình khai thác và tạo ra những viên đá quý có nhiều chức năng thần kỳ ấy. Ít ai biết rằng, đằng sau các viên đá lấp lánh sắc màu là một góc khuất đáng sợ, khiến nhiều người phải đánh đổi cả sinh mạng. Madagascar là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng bên dưới lớp đất của nó lại là một kho báu.
Thạch anh hồng, thạch anh tím và những viên đá quý đắt giá khác đều có mặt ở Madagascar. Đá quý và kim loại quý là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của quốc gia này. Quốc đảo 25 triệu dân này hiện đang đứng chung hàng với các quốc gia lớn hơn rất nhiều như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc, với tư cách là nhà sản xuất đá quý chủ yếu cho thế giới.
Và ở một đất nước mà cơ sở hạ tầng, vốn và quy định lao động đều thiếu thốn thì chính con người là nguồn lực chủ yếu để khai thác đá quý từ lòng đất thay cho máy móc. Trong khi chỉ có một vài công ty khai thác lớn hoạt động ở Madagascar, hơn 80% đá quý được khai thác từ các nhóm nhỏ và những gia đình riêng lẻ, đều không được đảm bảo an toàn khi khai thác. Nếu bạn muốn biết thạch anh hồng được đến từ đâu thì thị trấn Anjoma Ramartina là một địa điểm lý tưởng để tìm thấy chúng. Thị trấn này cách thủ đô Madagascar một ngày lái xe.
Hầu hết các ngôi nhà ở Anjoma Ramartina không có điện, không có nước sinh hoạt, không có kết nối điện thoại hoặc mạng. Suy dinh dưỡng là phổ biến. Các nhà nghiên cứu y tế cho biết một nửa số cha mẹ ở Anjoma Ramartina đã mất ít nhất một em bé sơ sinh vì bệnh hoặc đói. Trong khi đó, pha lê, thạch anh tím, thạch anh hồng cùng vô số loại đá quý khác đều được khai thác ở đây.
Victoria Beckham là một tín đồ yêu thích thạch anh hồng.
Phó thị trưởng của Anjoma Ramartina cho biết, một phần tư người dân địa phương ở đây đều phụ thuộc vào các mỏ khai thác để kiếm thêm thu nhập. Năm nào cũng có người chết tại các mỏ này. Dù biết công việc rất nguy hiểm nhưng người dân nơi đây vẫn bất chấp để lao vào vì họ muốn có tiền nuôi sống gia đình. Sạt lở luôn xảy ra ở đây và đó là nguyên nhân khiến nhiều người lao động bỏ mạng.
Sạt lở không phải là mối nguy hiểm duy nhất của các thợ mỏ. Đá vỡ tạo ra bụi mịn và các hạt thạch anh có thể xâm nhập sâu vào phổi. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng các tế bào bị viêm nhiễm, làm tăng nguy cơ ung thư phổi và bệnh bụi phổi silic. Lao động trẻ em cũng phổ biến ở đây. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính rằng có khoảng 85.000 trẻ em làm việc trong các mỏ ở Madagascar.
Rakotondrasolo, người đàn ông mà dân làng gọi là chủ mỏ đã tìm thấy một mỏ đá quý khoảng 20 năm trước và cho đến nay, ông cùng gia đình vẫn khai thác nó. Rakotondrasolo cao và rất gầy, quần áo của ông đều dính những bụi đất đá. Người đàn ông có đôi chân đầy vết sẹo từ cuộc đời khai thác đá quý của mình, những viên đá rơi xuống sắc nhỏ cứa vào da thịt của người đàn ông không thể kể hết.
Trong số 10 người con của Rakotondrasolo thì có 7 người làm công việc khai thác đá quý với ông. Các chàng trai bắt đầu làm việc này từ năm 14 tuổi. Người đàn ông cho hay, những viên đá thô sơ sẽ được chất đầy lên xe tải và đi đến bến cảng. Từ đây, Rakotondrasolo không hề biết chúng được đi đâu và làm những gì.
Rakotondrasolo cho hay, tùy theo chất lượng và khối lượng của các viên đá quý mà những người môi giới sẽ trả tiền cho ông. Tuy nhiên, Rakotondrasolo nói rằng số tiền kiếm được chia ra đầu người không được bao nhiêu, thường chỉ đủ mua một chén gạo ở chợ làng.
Những viên đá thô sơ được khai thác ở Anjoma Ramartina sẽ ra khỏi đất nước thông qua một công ty có tên là Madagascar Specimens, nơi xuất khẩu khoảng 65 tấn đá quý, tinh thể mỗi năm. Liva Marc, chủ sở hữu của công ty này cho biết, pha lê là loại đá phổ biến nhất hiện nay, nhiều khách hàng đang tìm kiếm nó để trị liệu, mang đến niềm tin sức mạnh.
Triển lãm đá quý ở Tucson là hoạt động quan trọng đối với Liva Marc. Đây là nơi người đàn ông tìm kiếm các khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc. Người đàn ông này cũng thừa nhận rằng ông biết rõ điều kiện tồi tệ tại các mỏ khai thác mà ông mua.
Một mỏ khai thác thạch anh hồng.
Liva Marc nói: “Nhiều người đã bị sốc và tôi cũng vậy. Những viên đá thô sơ nặng 50kg, 60kg mà người lao động phải mất 2-3 ngày để kéo nó ra khỏi mặt đất nhưng họ chỉ kiếm được 1 đô la”.
Trong khi kinh doanh đá quý, pha lê đang bùng nổ thì có rất ít các quy định được đưa ra để cải thiện điều kiện cho những người trực tiếp khai thác chúng. Tuy nhiên, trên thực tế là liệu người tiêu dùng thực sự sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để đảm bảo các mỏ an toàn hơn, không có lao động trẻ em, hoặc một mức lương công bằng cho các thợ mỏ? Không một ai có thể đảm bảo được điều này.
Chính vì vậy mà mỗi ngày, người khai thác tại những mỏ đá quý vẫn luôn đối mặt với vô vàn nguy hiểm, họ có thể bị cướp đi sinh mạng bất cứ lúc nào. Không một ai thực sự quan tâm và bảo vệ họ, những người kinh doanh chỉ quan tâm đến việc có những viên đá quý giá trị nhất còn người tiêu dùng chỉ muốn họ có sản phẩm tốt nhất mà thôi.
Tham khảo thông tin kiến thức đá quý tại Hiệp Hội Đá Qúy
Nguồn: The Guardian