Tử vong do ăn cam thảo đen liên tục trong 3 tuần
Cách đây không lâu, tờ New York Times dẫn thông tin từ các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) cho hay, ca tử vong của một người đàn ông 54 tuổi người Mỹ cho thấy sự nguy hiểm của việc hấp thụ quá nhiều axit glycyrrhizic có trong cam thảo đen.
Nam bệnh nhân không có tiền sử bệnh tim. Ông thường xuyên đưa chó đi dạo và làm công việc nặng nhọc của một công nhân xây dựng. Nhưng ông đã đột quỵ tại một nhà hàng đồ ăn nhanh và mất sau đó một ngày. Theo các bác sĩ, thủ phạm của ca tử vong này là cam thảo đen.
Trường hợp của bệnh nhân trên đã được đăng tải trên tạp chí Y khoa The New England. Mỗi ngày, ông ăn 1-2 túi cam thảo đen trong suốt 3 tuần. Thói quen này đã khiến nồng độ kali trong máu của ông giảm mạnh, gây ra ngưng tim. Ông không tỉnh lại sau cơn đột quỵ và mất sau khi được nhập viện 24 tiếng.
Theo các bác sĩ, trong cam thảo đen có axit glycyrrhizic, chất được sử dụng để tạo ngọt trong kẹo và các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, loại chất này có thể khiến nồng độ kali giảm xuống mức nguy hiểm.
Theo người nhà và bạn bè, bệnh nhân có một chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng và hút một bao thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định việc chuyển từ dùng cam thảo đỏ sang cam thảo đen ba tuần trước đó gây ra cái chết trên.
Trong gia đình bệnh nhân, không thành viên nào có nồng độ kali thấp. “Chúng tôi không có lý do nào khác giải thích tình trạng của bệnh nhân”, bác sĩ Henson nói.
Trước đó, một người đàn ông Hy Lạp 35 tuổi không có bệnh nền đã liệt cơ bắp sau khi uống một lít nước pha cam thảo trong tháng ăn chay. Ngoài ra, năm 2019, các nhà nghiên cứu đã báo cáo về trường hợp của một người đàn ông 84 tuổi ở Canada. Ông có thói quen uống vài ly trà cam thảo tự làm mỗi ngày và điều này đã khiến huyết áp của ông tăng vọt đến mức nguy hiểm.
Nguyên nhân cam thảo đen gây nguy hiểm cho người ăn?
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cam thảo đen thường chứa một hợp chất gọi là glycyrrhizin, có nguồn gốc từ rễ cây cam thảo. Tiêu thụ quá nhiều rễ cam thảo hoặc kẹo có hương liệu từ rễ cam thảo có thể gây nguy hiểm đến tính mạng vì glycyrrhizin làm giảm nồng độ kali trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến huyết áp cao và nhịp tim bất thường.
Trong trường hợp của người đàn ông trên, nồng độ kali thấp đến mức nghiêm trọng đã dẫn đến các vấn đề về tim của nạn nhân. Người đàn ông đã được điều trị để khôi phục nồng độ kali trong người, cùng với nhiều phương pháp điều trị khác trong phòng chăm sóc đặc biệt, bao gồm cả việc được đặt lên máy thở. Bất chấp những nỗ lực này, 24 giờ sau khi đến bệnh viện người đàn ông đã tử vong.
FDA cảnh báo những người hơn 40 tuổi ăn trên 50g cam thảo đen mỗi ngày từ 2 tuần trở lên có thể bị rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, suy tim, phù nề… Dù ca bệnh trên hi hữu nhưng đây là dấu hiệu nhắc nhở cộng đồng cần thận trọng với việc hấp thụ bất cứ chất gì quá nhiều có thể gây ra các hậu quả sinh lý học.
Nên cân nhắc khi dùng cam thảo
Các nghiên cứu khác cũng dấy lên cảnh báo về việc ăn quá nhiều cam thảo. Năm 2012, các bác sĩ ở Trung tâm Y tế và Bệnh viện Mercy Chicago (Mỹ) đã công bố nghiên cứu mang tên “Lạm dụng cam thảo: Thời điểm đưa ra thông điệp cảnh báo”. Theo đó, các bác sĩ và bệnh nhân được khuyên cân nhắc trong việc dùng cam thảo.
Việc sử dụng cam thảo hàng ngày không được khuyến khích bởi hiệu quả nhỏ so với các tác dụng phụ. FDA có quy định về lượng glycyrrhizin được phép có trong thực phẩm nhưng vẫn khuyến cáo mọi người nên tránh ăn một lượng lớn cam thảo cùng một lúc.
Theo bác sĩ Jacqueline B. Henson, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, “Có rất nhiều sản phẩm chứa cam thảo phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Mọi người vô thức sử dụng chúng với lượng không giới hạn, khiến họ rơi vào nguy hiểm. Cam thảo đen không phải thuốc độc. Nhưng nếu dùng quá thường xuyên, nó sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu về cam thảo được đăng tải trên tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ vào năm 2002 chỉ ra, việc tiêu thụ quá nhiều cam thảo trong thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng sinh non. Do đó, phụ nữ mang thai nếu muốn sử dụng cam thảo để điều trị bệnh hoặc cải thiện sức khỏe, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Ngoài đối tượng đang mang thai, người bị lợi tiểu trừ thấp, bụng đầy hơi hoặc phù trướng,… không nên sử dụng cam thảo, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
An Dương (T/h)
Cam thảo đen rất tốt nhưng nên thận trọng khi sử dụng. Ảnh minh họa