Cơ hội mới cho cây sâm Ngọc Linh

Với sự tham gia của doanh nghiệp lớn, các vùng trồng sâm Ngọc Linh có thể mở rộng quy mô, hoàn thiện kỹ thuật trồng, chế biến đa dạng hoá sản phẩm đến tay người dùng.

Cơ hội mới cho cây sâm Ngọc Linh

Được đánh giá cao về chất lượng, song đến nay sâm Ngọc Linh vẫn chưa phổ biến với người tiêu dùng Việt bằng sâm Hàn Quốc, Triều Tiên hay Trung Quốc, Nhật Bản. Trong nhiều lý do thì giá thành đắt do số lượng thu hoạch còn hạn chế, vùng trồng chưa được mở rộng... khiến người dân không dễ tiếp cận.

Theo tiến sĩ Trịnh Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý của Việt Nam với nhiều công dụng đặc biệt tốt cho sức khỏe như chống stress vật lý, chống stress tâm lý và trầm cảm, chống oxi hóa não, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan... "Tuy nhiên, quy mô thị trường sâm qu‎ý này không lớn, chỉ manh mún chủ yếu ở 2 tỉnh là Quảng Nam và Kon Tum. Hiện nay, giá sâm Ngọc Linh dao động rất lớn, từ 20 đến 80 triệu đồng/kg, thậm chí lên đến vài trăm triệu đồng mỗi ký (phụ thuộc vào kích thước, tuổi của củ...), nhưng nguồn cung không đủ cầu", tiến sĩ nói.

Nhận thấy giá trị cao mà sâm Ngọc Linh mang lại, cả về kinh tế lẫn sức khỏe, nhiều năm nay, nhà nước có chủ trương mở rộng vùng trồng cũng như thị trường của loại thảo dược quý này. Trong đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia được xem là một trong những giải pháp cốt lõi.

Mới đây, Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) vừa công bố hoàn tất các thủ tục đầu tư vào Công ty CP Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco). Quasapharco hiện sở hữu vườn sâm Ngọc Linh quý và lớn với hàng trăm nghìn cây sâm được trồng và chăm sóc tự nhiên trên núi Ngọc Linh ở độ cao hơn 2.598 m, nơi có địa hình, khí hậu và lượng mưa đặc thù, điều kiện hiếm có để loài sâm quý này sinh trưởng và phát triển tự nhiên.

Nutifood sở hữu trang trại sâm Ngọc Linh lớn nhất Quảng Nam thông qua việc đầu tư vào Quasapharco. Ảnh: Tiến Trần

Sau khi tiếp quản Quasapharco, Nutifood khẳng định sẽ vận dụng thế mạnh về công nghệ, tài chính, thị trường, đội ngũ chuyên gia để nghiên cứu, ứng dụng sâm Ngọc Linh vào sữa, thực phẩm dinh dưỡng và nước uống nhằm tạo ra các sản phẩm bổ dưỡng, mang lại lợi ích thiết yếu cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood cho biết: "Thông qua việc đầu tư vào Quasapharco, Nutifood sẽ tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe, phục vụ cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Doanh nghiệp cũng lên kế hoạch nuôi bò sữa bằng thảo dược, giúp những cô bò có thể chất vượt trội để cho ra nguồn sữa tốt nhất".

Theo vị lãnh đạo này, việc bước chân vào lĩnh vực thảo dược sẽ giúp Nutifood hoàn thiện hệ sinh thái về dinh dưỡng, cung cấp đa dạng sản phẩm đến khách hàng nhằm mang đến một thể trạng phát triển tốt nhất cho người Việt, từ sữa bò cho đến các sản phẩm nông sản, thảo dược. "Tất cả sản phẩm đều được phát triển từ gốc, từ việc đầu tư vùng nguyên liệu theo quy chuẩn cao đến việc sử dụng hệ thống sản xuất tối tân trên thế giới để mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng", ông Minh khẳng định.

Dưới góc độ của chuyên gia trong lĩnh vực, tiến sĩ Trịnh Thị Xuân đánh giá việc tham gia thị trường sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp lớn sẽ giúp các địa phương mở rộng quy mô vùng trồng, có nguồn lực hoàn thiện quy trình - kỹ thuật trồng, cung ứng nhiều cây giống sâm. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng có cơ hội tập trung nghiên cứu, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nhằm giới thiệu đến tay người tiêu dùng được tốt hơn. Từ đó, gia tăng vị thế của sâm Ngọc Linh trên thị trường hiện nay.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood kiêm Chủ tịch HĐQT mới của Quasapharco. Ảnh: Anh Duy

Song vị tiến sĩ này cho rằng, để phát huy tối đa tiềm năng của thị trường sâm Ngọc Linh, ngoài chiến lược bền vững, đầu tư quy trình đầu cuối một cách chuyên nghiệp hóa, tại các vùng trồng cần phải phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sâm, thúc đẩy văn hóa kết hợp du lịch địa phương, xây dựng quy trình bảo vệ nguồn gốc cho sâm Ngọc Linh nhằm tránh hiện tượng sâm giả.

Một góc nhỏ tại trang trại sâm Ngọc Linh của của Quasapharco. Ảnh: Tiến Trần

Sâm Ngọc Linh là một loại sâm quý của Việt Nam, được dược sĩ Đào Kim Long, nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh, khối núi cao nhất miền Trung. Đây là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Sâm Ngọc Linh nằm trong top bốn loài sâm quý thế giới bởi hàm lượng saponin cao. Kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế Việt Nam cho biết dược tính saponin của sâm Ngọc Linh chiếm tỷ lệ cao, nổi trội với 52 hợp chất nằm ở phần thân dưới, rễ, củ. Trong khi đó, sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản chỉ có 26 saponin. Sâm Ngọc Linh còn có những tác dụng mà nhiều loại sâm không có như tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thới Nhâm, người từng thẩm định giá trị của sâm Ngọc Linh.