10 bí quyết giúp con đạt kết quả tốt ở trường: Số 3 đơn giản nhưng nhiều bố mẹ không để ý

Có một sự thật mà nhiều bậc phụ huynh có thể không nhận ra, đó là việc thành công hay thất bại ở trường học của trẻ bắt đầu ngay tại ngôi nhà của các em. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra mối liên hệ giữa kết quả học tập yếu kém của trẻ với các yếu tố như thiếu ngủ, dinh dưỡng kém, béo phì và thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ.

Hãy xem bạn đã có những chuẩn bị nào để con có thể đạt được kết quả tốt ở trường học nhé.

Tin tốt là cũng chính những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng trẻ sẽ có kết quả học tập tốt hơn nếu được sống trong những gia đình có các thói quen lành mạnh, lịch trình đều đặn cũng như có sự giao lưu hiệu quả giữa cha mẹ và con cái. Vậy bạn có thể làm gì để bảo đảm con mình sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất trong năm học mới này? 

Hãy tham khảo 10 bí quyết của các chuyên gia giáo dục dưới đây nhé.

1. Xây dựng các thói quen lành mạnh

Bạn không thể làm tốt khi không có sức khỏe. Do đó, để giúp con có nhiều cơ hội thành công nhất ở trường học, hãy giúp con hình thành những thói quen lành mạnh ngay trong gia đình. Ví dụ, hãy chọn thời gian đi ngủ giúp con bạn ngủ đủ giấc, cung cấp bữa sáng đủ chất dinh dưỡng chẳng hạn.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên khuyến khích con vận động thể chất, giới hạn thời gian xem tivi, chơi video game, nghe nhạc hay sử dụng máy vi tính.

2. Thực hiện theo đúng lịch trình

Hầu hết trẻ sẽ làm tốt khi biết mình làm phải làm gì vào giờ nào, nói một cách khác là "giờ nào, việc nấy". Nếu bạn xây dựng cho con những lịch trình rõ ràng, đơn giản thì theo thói quen, cứ đến giờ đó là con sẽ tự động làm mà không cần cha mẹ nhắc nhở. Ngược lại, nếu bạn yêu cầu con làm theo cảm hứng của mình thì trẻ sẽ bị rối và không biết phải bắt đầu từ đâu.

Ví dụ, vào buổi sáng, khi con bạn thức dậy và làm vệ sinh cá nhân, dọn dẹp giường ngủ và ăn sáng, bạn có thể làm đồ ăn trưa cho con. Khi con đi học về vào buổi chiều, bạn sẽ cho con ăn nhẹ chút gì đó, sau đó làm bài tập trong khi bạn chuẩn bị bữa tối.

Lịch trình của bạn có thể không giống như vậy, nhưng quan trọng là ngày nào chúng cũng cần nhất quán và được lặp lại để trẻ quen dần và thực hiện theo, không nên mỗi ngày lại một khác.

3. Tạo ra góc để đồ riêng cho con

Những người đã có con lớn thì sẽ có kinh nghiệm hơn trong vấn đề này. Họ sẽ biết việc có một không gian riêng để con họ để ba lô, áo khoác, giày, hộp đựng đồ ăn trưa hay các dự án nhỏ ở lớp mỗi ngày là rất quan trọng. Bạn có thể bố trí khu vực này ở sau cánh cửa ra vào chẳng hạn, hoặc vài chiếc giá trên tường, và hướng dẫn con cách sắp xếp tất cả những đồ đạc của con một cách ngăn nắp, khoa học.

Việc làm này không chỉ giúp con học được cách quản lý, sắp xếp tài sản cá nhân, hình thành tư duy giữ cho mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ, mà còn giúp trẻ không bị quên đồ. Mỗi buổi sáng, trước khi đi học, trẻ chỉ cần đi ra đây là sẽ có đủ tất cả những gì chúng cần cho một ngày đi học, để có thể xuất phát ngay không cần vội vàng chạy đi mọi ngõ ngách trong nhà để lấy đồ.

4. Thiết kế không gian phù hợp cho con học tập

Ở trường trẻ có bàn, ghế và một không gian nhiều ánh sáng cho việc học tập. Vậy tại sao không tạo ra một môi trường tương tự như vậy ở nhà? Một góc học tập được thiết kế riêng cho trẻ sẽ giúp trẻ học tập dễ dàng cũng như vui vẻ và hiệu quả hơn.

Bố mẹ hãy cố gắng chọn một góc học tập đủ ánh sáng, yên tĩnh, thoáng mát, bàn ghế với chiều cao phù hợp cho trẻ nhé.

5. Đọc cho con nghe thật nhiều

Người ta hay nói rằng trẻ dành ra những năm đầu đời HỌC ĐỂ ĐỌC và những năm còn lại của cuộc đời ĐỌC ĐỂ HỌC. Sách là một cánh cửa mở ra tri thức cho trẻ và bạn càng đọc cho con mình nghe nhiều thì trẻ sẽ có nhiều cơ hội trở thành một người yêu thích việc đọc và cũng biết cách đọc trôi chảy hơn.

Chính vì thế, dù có bận rộn đến thế nào, mỗi ngày bạn cũng nên dành ra ít phút ngồi xuống và cùng con đọc sách. Bạn hãy đọc to cho con và coi đây là thời gian vừa học, vừa chơi và để bố mẹ gần gũi con cái hơn.

6. Giúp con học tập mọi lúc mọi nơi

Việc giáo dục trong gia đình đóng một vai trò quan trọng trong quá trình học tập nói chung của trẻ. "Một số phụ huynh gần đây có xu hướng phó thác việc học của con cho trường học và các giáo viên. Tất nhiên giáo viên có thể đóng vai trò quan trọng, nhưng sự tham gia và hỗ trợ của bố mẹ ở nhà đối với trẻ là rất cần thiết", bà Barbara Frankowski, Tiến sĩ Y khoa, thành viên của Hội đồng Y tế Trường học thuộc Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ cho biết.

Do đó, cha mẹ có thể tìm cách để dạy con mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, nấu nướng có thể là sự kết hợp của toán học và khoa học. Hãy tận dụng thời gian bạn nấu bữa tối làm cơ hội giúp con đọc và làm theo hướng dẫn, hoặc để thảo luận, đưa ra các giả định. Chẳng hạn như: "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ đánh lòng trắng trứng?" chẳng hạn.

7. Làm gương cho con

Trẻ nhỏ bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường xung quanh. Cho nên, muốn con làm gì thì bạn hãy làm điều đó. Ví dụ, muốn con ham đọc sách, chính bản thân bạn hãy đọc sách mỗi ngày. Muốn con thích tìm hiểu, khám phá thế giới thì hãy nuôi dưỡng sự tò mò ngay trong chính bản thân bạn. Hãy dành thời gian để học một kỹ năng mới và thảo luận về trải nghiệm đó với con.

Nếu bạn không ngừng học hỏi và say mê với điều đó mỗi ngày, con bạn cũng sẽ làm như vậy trong cuộc sống của chúng.

8. Thường xuyên trò chuyện cùng con

Bạn có biết con mình nghĩ gì về lớp học, về giáo viên, về các bạn cùng lớp của mình không? Bạn có biết con chơi thân với ai? Con thích nhất môn học nào không? Nếu không biết, hãy chủ động hỏi con. Hãy nói với con về những điều con thích và không thích ở trường. Hãy cho con cơ hội được bày tỏ niềm vui, sự phấn khích cũng như những nỗi lo lắng hay thất vọng của con mỗi ngày. Bớt phán xét, thay vào đó hãy luôn ủng hộ, tin tưởng và khuyến khích con cái cố gắng mỗi ngày.

9. Tạo mối quan hệ thân thiết với giáo viên của con

Đừng giới hạn sự hỗ trợ của bạn với con, hãy mở rộng nó cho cả giáo viên của con. Cố gắng sắp xếp thời gian để gặp gỡ giáo viên của con, duy trì sự liên lạc qua điện thoại hoặc email, hoặc mạng xã hội để có thể trao đổi về các vấn đề khi cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn có cơ hội để giải đáp các thắc mắc của mình, mà cũng giúp giáo viên của con bạn cảm thấy thoải mái hơn khi trao đổi với bạn và rất có lợi cho việc giáo dục con bạn cũng như can thiệp kịp thời khi có chuyện xảy ra.

10. Mong con làm hết sức

Bạn luôn hỗ trợ con tốt nhất và mong con đạt được kết quả tốt ở trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn yêu cầu con phải trở thành học sinh đứng đầu lớp hoặc đứng đầu trường. Điều này vô hình sẽ tạo ra một áp lực lớn cho con. Thay vào đó, bạn nên để cho con biết rằng mình kỳ vọng con làm tốt nhất những gì có thể, con làm hết sức mình và kết quả có thế nào thì bạn cũng tự hào về con.

>> 11 dấu hiệu trầm cảm ở trẻ cha mẹ không thể bỏ qua

>> Giáo sư nổi tiếng: 3 sai lầm của cha mẹ vô tình khiến khả năng tập trung của trẻ giảm sút

>> Muốn con học giỏi, cha mẹ nên sớm dạy con 10 điều này khi còn ...

>> Cách Nhận biết trẻ chậm phát triển

soha