Theo thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 3/2/2022, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm gần 10 triệu ca năm 2020. Các bệnh ung thư phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Các triệu chứng của ung thư thường mơ hồ và không rõ ràng ở những giai đoạn đầu khiến bệnh khó được chẩn đoán. Kết quả điều trị ung thư phụ thuộc vào thời điểm khi bệnh được phát hiện. Nếu các tế bào ung thư đã lan rộng và không được phát hiện kịp thời thì việc điều trị sẽ càng khó khăn hơn.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Vương Quốc Anh (CRUK), những dấu hiệu ung thư xuất hiện vào buổi sáng có thể là những “triệu chứng đáng lo ngại nhất”.
Mệt mỏi kéo dài
CRUK cảnh báo, mệt mỏi, kiệt sức, cảm giác thiếu năng lượng thường là “triệu chứng đáng lo ngại nhất” của bệnh ung thư. Cơ quan này cho biết thêm: “Ở mỗi người, thời gian triệu chứng mệt mỏi diễn ra hoặc mức độ nghiêm trọng, tần suất xuất hiện là khác nhau”.
Theo CRUK, những người bị mệt mỏi thường khó thức dậy vào buổi sáng.
Ho kéo dài
Ho là dấu hiệu khởi phát của một số bệnh, trong đó có cả ung thư. Mặc dù ho dai dẳng ngay khi thức dậy có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác nhưng ở những người hút thuốc, nguy cơ ung thư là rất cao.
"Những người hút thuốc thường thức dậy với cơn ho vào buổi sáng. Tuy nhiên, nếu ho dai dẳng hơn hai tuần thì nên đi kiểm tra”, Abbas Kanani, dược sĩ tại Chemist Click nói.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, nếu bạn thức dậy với cơn đau họng kéo dài trên 2 tuần mà không cải thiện, đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư.
Các triệu chứng thường gặp khác của bệnh ung thư bao gồm: Đột ngột xuất hiện một khối u trên cơ thể; Chảy máu không rõ nguyên nhân; Thay đổi thói quen đại tiện.
Mặc dù vậy, đôi khi các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của những căn bệnh thông thường khác. Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh khuyên rằng: “Cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh chính xác là đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám”.
Ai có nguy cơ bị ung thư?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung đại tràng. Vì lý do này, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương Quốc Anh khuyến nghị mọi người chỉ nên ăn 70g (trọng lượng đã nấu chín) thịt đỏ và thịt chế biến sẵn mỗi ngày.
Một yếu tố rủi ro nghiêm trọng nhất có thể thay đổi được với ung thư là hút thuốc. Theo thống kê tại Vương Quốc Anh, hút thuốc là nguyên nhân gây ra 7/10 ca ung thư phổi. Việc hút ít hơn 1 điếu mỗi ngày cũng gây hại cho sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy việc làm này làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong sớm ở những người hút thuốc so với những người không hút.
Ngoài ra, dùng đồ uống có cồn, ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể chất và ô nhiễm không khí cũng là những yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Một số bệnh nhiễm trùng mạn tính cũng tiến triển thành ung thư. WHO cho biết, khoảng 13% trường hợp ung thư được chẩn đoán vào năm 2018 trên toàn cầu là do nhiễm virus, bao gồm virus Helicobacter pylori (HPV), virus viêm gan B hoặc C, virus Epstein-Barr.
Có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư không thể thay đổi được đó là lão hóa. CRUK giải thích: “Ung thư có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi càng cao nguy cơ mắc ung thư càng cao” . Điều này là do các tế bào của cơ thể thường bị hư hại theo thời gian. “ Những tổn thương tế bào có thể xảy ra nhiều hơn khi chúng ta già đi và điều này đôi khi có thể dẫn tới ung thư".
(Nguồn: Express/ Times of India) theo VTC News