Bệnh thủy đậu lây lan ở nhiều trường học Hà Nội

Số ca mắc thủy đậu trong tuần qua ở Hà Nội tăng gần gấp đôi so với tuần trước, nhiều chùm ca lây lan tại các trường mầm non, tiểu học.

Ngày 3/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ghi nhận từ ngày 24 đến 31/3 có 166 ca thủy đậu, đặc biệt đang lây lan ở nhiều trường học tạo thành chùm ca. Như, Trường Mầm non Chu Minh, huyện Ba Vì, có 12 ca; Trường Mầm non Trung tâm huyện Phúc Thọ có 9 trường hợp; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm ở huyện Thanh Trì 20 ca.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 800 ca thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ 11 ca. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan.

Thời tiết giao mùa như hiện nay, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng. Do đó, CDC Hà Nội dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, khuyến cáo ngành y tế và giáo dục phối hợp xử lý các chùm ca thủy đậu trong trường học. Đồng thời, nhà trường theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Lâm sàng Các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện 108, cho biết virus gây thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp; giọt bắn từ mũi, miệng người bệnh; tiếp xúc trực tiếp quần áo, chăn gối của bệnh nhân; chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.

Virus có thể lây cho thai nhi qua nhau thai gây bệnh thủy đậu bẩm sinh hoặc các dị tật. Bệnh có nhiều biến chứng như viêm phổi, não, điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động.

Thời gian lây bệnh kéo dài, từ trước khi nổi ban đỏ 1-2 ngày đến lúc các bọng nước đóng vảy. Hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Các bác sĩ tập trung điều trị giảm nhẹ triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nước, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Theo vnexpress