Tác dụng khó tin của loài cây mọc hoang ở Việt Nam, Trung Quốc

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí quốc tế Food Science & Nutrion cho thấy một loài cây mà một số người Việt Nam dùng uống như trà có thể tạo đột phá cho cuộc chiến chống béo phì, gan nhiễm mỡ.

Công trình được nghiên cứu bởi PGS Akiko Kojima từ Trường Cao học Đời sống con người và sinh thái thuộc Đại học Osaka Metropolitan (Nhật Bản), chỉ ra những thay đổi về trọng lượng cơ thể, mô mỡ, hình thái gan và mô mỡ trên chuột nhờ chiết xuất Mallotus furetianus.

Mallotus furetianus là một loại cây có nguồn gốc cổ xưa từ đảo Hải Nam - Trung Quốc. Hiện nay đã mọc hoang trên nhiều vùng đất của các nước châu Á, bao gồm một số vùng cao nguyên ở Việt Nam, hay được gọi là cây chóc móc, cây cám heo...

Ở nước ta, cây này vẫn được một số người dân ở vùng cao dùng để uống như trà.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã thí nghiệm lên các con chuột bị làm cho béo phì, cho chúng bổ sung chiết xuất loài cây này vào chế độ ăn trong một thời gian.

Kết quả đầy bất ngờ bởi chiết xuất Mallotus furetianus phát huy tác dụng đồng thời trong việc ngăn chặn sự gia tăng trọng lượng cơ thể và trọng lượng mô mỡ, làm thay đổi tích cực hình thái ở gan và mô mỡ.

Nghiên cứu sâu hơn về cơ chế chỉ ra chiết xuất loài cây mọc hoang này có khả năng ức chế quá trình tổng hợp chất béo ở cấp độ tế bào, bằng cách ngăn chặn sự biểu hiện của một số yếu tố phiên mã liên quan đến sự biệt hóa tế bào mỡ.

"Chúng tôi đã tìm kiếm các thành phần thực phẩm có tác dụng chống béo phì, dựa trên ý tưởng rằng nếu chúng ta có thể tìm và kết hợp chúng vào chế độ ăn, chúng ta có thể góp phần mang lại sức khỏe và tuổi thọ" - PGS Kojima cho biết.

Theo Medical Xpress, trong một nghiên cứu độc lập trước đó, nhóm của PGS Kojima cũng chứng minh được khả năng của Mallotus furetianus trong việc chống lại bệnh gan nhiễm mỡ.

Béo phì hiện được y học trong và ngoài nước xem như một bệnh nền bao trùm nhiều bệnh khác, làm suy giảm sức khỏe tổng thể, tăng nguy cơ các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp, làm suy giảm chất lượng sống và tuổi thọ.

Xem chi tiết cây tại Cây dược liệu cây Chóc móc, Chóc mót, Gió - Mallotus oblongifolius (Miq) Muell - Arg.(M. furetianus Muell - Arg)

Tên Khoa học: Mallotus oblongifolius (Miq.) Muell.-Arg.

Tên tiếng Anh:

Tên tiếng Việt: Chóc mon; Chóc máu; chóc mót; cám heo; ruối tròn dài

Tên khác: Rottlera oblongifolia Miq.; Mallotus furetianus Muell.-Arg.;

(Theo Trung Tâm thực vật Việt Nam)

Tên việt nam: Chóc móc, Chóc mót, Gió

Tên khoa học: M. furetianus Muell - Arg

Tên đồng nghĩa: Mallotus Oblongifolius (Miq) Muell – Arg.

Địa danh: Chưa xác định

Cấp bậc sinh giới

Ngành: Ngọc Lan (tên khoa học là Magnoliophyta)

Bộ: Thầu dầu (tên khoa học là Euphorbiales)

Họ: Thầu dầu (tên khoa học là Euphorbiaceae)

Chi: Mallotus (tên khoa học là Mallotus)

Thuộc: Quí hiếm & đặc hữu

Tình trạng bảo tồn: Không dánh giá (NE)

Công dụng: Uống trà

Cây tự nhiên

Đặc điểm nhận dạng:

Mô tả: Cây gỗ nhỏ, cao 3-6m, có nhánh mềm, màu hoe hoe. Lá mọc 80 le, các lá phía trên có khi mọc đối, hình ngọn giáo, thuôn, dạng màng, có chấm trong suốt, thon thành đuôi có chóp, thon tù và gần như hình tim ở gốc, dài 9-16cm, rộng 2,5cm, không lông trừ ở gân mặt dưới; mép lượn sống, có răng. Hoa đực 2-3 cái thành bông ở ngọn, thưa. Hoa cái riêng lẻ, thành chùm dạng bông khá rậm, dài 10cm. Quả nang dài lcm, rộng l4mm, có 3 hạch. Hạch có tuyến vàng và lỏm chỏm những mũi gai cong. Hạt hình cầu, đường kính 5mm, màu hoe hoe. Mùa hoa tháng 3-8.

Bộ phận dùng: Lá.

Phân bố, sinh thái: Cây của miền Đông dương và Mã Lai, mọc hoang ở độ cao 400 đến 800m ở vùng Châu Đốc và nhiều nơi khác ở miền Nam nước ta. Có thể thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi.

Công dụng: Lá có mùi thơm của cumarin, thường được dùng chế làm trà uống.

Tình trạng khai thác và bảo vệ tại An Giang: Hiện nay loài cây này rất hiếm gặp trên vùng núi. Cần bảo vệ để mở rộng quần thể.

Bành Thanh Hùng. Sưu tầm và biên soạn từ nguồn: Cây thuốc An Giang của Võ Văn Chi, Ủy ban khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, tr.120.

(Theo Cục Kiểm Lâm An Giang)