11 tác dụng phụ của trà xanh
Trả lời trên báo Sức khỏe & Đời sống, ThS Dinh dưỡng Đặng Thị Hoàng Khuê – Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương Quảng Nam cho biết, uống trà được xem là an toàn với hầu hết mọi người nhưng vẫn có một số tác dụng phụ cần lưu ý. Cụ thể như sau:
1. Vấn đề về tiêu hóa
Trà xanh có thể gây kích ứng dạ dày khi pha quá đặc hoặc uống khi bụng đói. Điều này xảy ra do trà xanh có chứa tannin có thể làm tăng lượng acid trong dạ dày. Acid dư thừa có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa bao gồm táo bón, trào ngược acid và buồn nôn. Đặc biệt, pha trà xanh với nước quá nóng có thể làm trầm trọng thêm những tác dụng phụ này. Nên pha trà xanh với nước từ 72 – 82 độ C.
Bên cạnh đó, trà xanh cũng có thể gây tiêu chảy khi tiêu thụ với số lượng lớn. Caffeine tạo ra tác dụng nhuận tràng vì nó kích thích cơ đại tràng co bóp và giải phóng thường xuyên hơn. Điều này dẫn đến việc phải đi vệ sinh thường xuyên hơn và có thể gây khó chịu cho dạ dày. Nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích, hãy tránh uống trà xanh.
2. Trà xanh có thể gây đau đầu
Do trà xanh có chứa caffeine nên những người bị chứng đau nửa đầu nên tránh uống trà xanh mỗi ngày. Thỉnh thoảng uống 1-2 cốc thì không sao.
3. Trà xanh gây mất ngủ
Cũng do caffeine nên trà xanh có thể gây mất ngủ cho những người nhạy cảm với chất này.
Theo đó, do các hợp chất hóa học trong trà xanh ngăn cản việc giải phóng các hormone như melatonin, giúp hỗ trợ giấc ngủ nên những người nhạy cảm với caffeine nên uống trà xanh muộn hơn 5 giờ trước khi đi ngủ.
4. Cản trở hấp thu sắt
Những người bị thiếu sắt nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn trà xanh. Chất tannin trong trà có thể liên kết với sắt và ngăn cơ thể bạn hấp thụ sắt, điều này có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Một phân tích tổng hợp cho thấy tác dụng phụ này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị thiếu máu hoặc các bệnh khác do thiếu sắt. Để tránh tác dụng phụ này, hãy thêm chanh vào trà. Vitamin C trong chanh thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt, chống lại tác dụng phụ này. Ngoài ra, có thể uống trà xanh một giờ trước hoặc sau bữa ăn. Điều này giúp cơ thể có thời gian để hấp thụ sắt mà không bị ức chế bởi tannin. Để phòng ngừa, hãy tránh uống trà xanh nếu bị thiếu máu.
5. Buồn nôn và nôn
Uống quá nhiều trà xanh có thể dẫn đến buồn nôn và nôn, đó là vì trà xanh có chứa tannin liên quan đến buồn nôn và táo bón do các protein liên kết trong ruột.
6. Chóng mặt và co giật
Chất caffeine trong trà xanh có thể khiến cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng khi tiêu thụ với lượng lớn. Caffeine làm giảm lưu lượng máu đến não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến hiện tượng như say tàu xe. Trong một số hiếm trường hợp, uống trà xanh có thể dẫn đến co giật.
Trà xanh có thể gây đau đầu và gia tăng chứng ù tai
7. Tăng chứng ù tai
Trong một số trường hợp, uống trà xanh cũng có thể làm tăng chứng ù tai. Nếu bị ù tai, hãy tránh uống trà xanh. Luôn uống trà xanh với lượng vừa phải và tránh nhạy cảm với caffeine. Hầu hết các tác dụng phụ này rất hiếm và chỉ xảy ra khi tiêu thụ với số lượng quá mức hoặc ở những người nhạy cảm với thành phần trà xanh.
8. Rối loạn chảy máu
Các hợp chất trong trà xanh làm giảm nồng độ fibrinogen, một loại protein giúp đông máu. Trà xanh cũng ngăn ngừa quá trình oxy hóa acid béo, có thể làm loãng máu. Nếu bị rối loạn đông máu, hãy tránh uống trà xanh.
9. Tổn thương gan
Việc bổ sung trà xanh và tiêu thụ nhiều trà xanh có thể dẫn đến tổn thương gan. Điều này là do sự tích tụ caffeine có thể gây căng thẳng cho gan. Để tránh tác dụng phụ này, hãy tránh uống nhiều hơn 4 đến 5 tách trà xanh mỗi ngày.
10. Ảnh hưởng đến huyết áp
Có nhiều nghiên cứu cho thấy uống trà có thể giúp giảm huyết áp, nhưng một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng trà xanh vẫn có thể ảnh hưởng đến huyết áp do caffeine. Và có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc huyết áp bao gồm Corgard.
11. Rủi ro khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Tannin, caffeine và catechin trong trà đều có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của phụ nữ mang thai, đang cho con bú.
Theo đó, caffeine được truyền qua sữa mẹ sang trẻ sơ sinh, vì vậy hãy phối hợp theo dõi lượng tiêu thụ của mẹ với bác sĩ. Riêng với phụ nữ mang thai, nếu uống hơn 2 cốc mỗi ngày có thể dẫn đến sảy thai và dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Khi mang bầu, hãy đảm bảo duy trì lượng caffeine dưới 200mg mỗi ngày.
10 người không nên uống trà xanh
Theo trang tin Guru On Time, đây là những người không nên uống trà xanh thường xuyên.
Người bị loét dạ dày
Cafein trong trà có thể thúc đẩy dạ dày tiết ra axit - ảnh hưởng đến việc chữa lành bề mặt vết loét, làm bệnh tình trầm trọng hơn. Hơn nữa, người bị lạnh bụng không nên uống quá nhiều, quá nhiều sẽ gây tức bụng.
Người bị suy nhược thần kinh hoặc mất ngủ
Trà xanh chứa caffein có tác dụng kích thích thần kinh. Vì vậy, uống trà có thể làm cho não trở nên hưng phấn quá mức khiến mất ngủ, đặc biệt nếu uống trước khi ngủ.
Người bị táo bón
Trà xanh chứa catechin polyphenol có tác dụng làm se niêm mạc đường tiêu hóa, khiến phân bị khô, gây táo bón hoặc nặng hơn.
Người bệnh tim hoặc huyết áp cao
Uống quá nhiều trà đặc sẽ làm tăng gánh nặng cho tim, làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
Người bị xơ vữa động mạch
Trà xanh chứa nhiều loại hoạt chất sinh học như caffein, theophylline, theobromine… có thể gây co thắt mạch máu não, khiến máu lưu thông chậm, thúc đẩy quá trình hình thành huyết khối não. Nó cũng có thể gây co thắt tâm thu động mạch vành, gây thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực, hồi hộp, tức ngực và rối loạn nhịp tim.
Người thiếu máu
Axit tannic trong trà xanh kết hợp với sắt trong thức ăn, cản trở sự hấp thụ sắt vào niêm mạc ruột, gây thiếu sắt. Từ đó có thể gây thiếu máu. Vì vậy, những người thiếu máu nên thận trọng khi uống trà xanh. Tốt nhất là không nên uống.
Người bị thiếu canxi hoặc gãy xương
Các alkaloit trong trà có thể ức chế sự hấp thụ canxi, đồng thời thúc đẩy bài tiết canxi trong nước tiểu, do đó canxi trong cơ thể ngày càng ít, dẫn đến thiếu canxi và loãng xương, gãy xương khó hồi phục.
Người đang sốt cao
Bệnh nhân sốt nên uống nước lọc. Hợp chất theophylline trong trà có tác dụng làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến cơn sốt trầm trọng hơn, đồng thời chất này cũng có tác dụng lợi tiểu làm giảm hiệu quả hạ sốt.
Phụ nữ trong kỳ kinh và cả phụ nữ mãn kinh
Phụ nữ giai đoạn này sẽ bị thiếu máu, không nên uống trà xanh. Ngoài ra, trà xanh có tính lạnh, nếu uống trong kỳ kinh có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm hội chứng tiền kinh nguyệt.
Trà xanh hay chè xanh được làm từ lá của cây trà chưa trải qua công đoạn làm héo và oxy hóa giống với cách chế biến trà Ô Long và trà đen.[1] Trà xanh có nguồn gốc ở Trung Quốc nhưng quy trình sản xuất lan rộng tới nhiều quốc gia ở châu Á. Trà xanh có nhiều loại, mà khác biệt đáng kể do sự đa dạng của cây trà được sử dụng, điều kiện trông trọt, phương pháp canh tác, quá trình trồng trọt và thời gian thu hái. Uống trà xanh được xem là có lợi cho sức khỏe.