Thạch xương bồ dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh còn có tên Xương bồ, Cửu tiết xương bồ, là thân rễ phơi khô của cây Thạch xương bồ Acorus Gramineus Soland. Còn Thủy xương bồ (Rhizoma Acori calami) là thân rễ phơi khô của cây Thủy xương bồ Acorus Calamus L. Thạch xương bồ cũng như Thủy xương bồ mọc khắp nơi ở miền Trung và Bắc nước ta. Cây Xương bồ thuộc họ Ráy ( Araceae).
Tính vị qui kinh:
Thạch xương bồ vị cay tính ôn, qui kinh Tâm Vị
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Bản kinh: vị cay ôn.
- Sách Danh y biệt lục: không độc.
- Sách Dược tính bản thảo: vị đắng cay không độc.
- Sách Bản thảo cương mục: qui kinh Thủ thiếu âm, túc quyết âm.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 3 kinh Tâm tỳ bàng quang.
Thành phần chủ yếu:
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam:
+ Thạch xương bồ có chừng 0,5 - 0,8 tinh dầu, trong tinh dầu có chừng 86% asaron, một ít chất phenol và acid béo.
+ Thủy xương bồ có 1,5 - 3,5% tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu cũng là asaron rồi đến asarylandehyt có glucozit đắng gọi là acorin và tanin.
Theo sách Chinese herbal medicine: thành phần chủ yếu của Thạch xương bồ có Beta-asaron, asaron, caryophyllene, ahumulene, sekishone.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Thạch xương bồ có tác dụng khai khiếu ninh thần, hóa thấp hòa vị. Chủ trị các chứng thần khí hôn mê, hoảng loạn do đàm trọc bế tắc (đàm trọc mông tê), hay quên (kiện vong), ù tai, điếc tai (nhĩ minh, nhĩ lung), báng đầy do thấp (thấp trở bỉ mãn), lî, cấm khẩu.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " chủ phong hàn thấp tý, khái nghịch thượng khí, khai tâm thống, bổ ngũ tạng, thông cửu khiếu, minh nhĩ mục, xuất thanh âm. Uống lâu khỏe người, không hay quên, không mê muội, sống lâu (diên niên)".
- Sách Danh y biệt lục: " chủ nhĩ lung, ung sang, ôn trường vị, chỉ tiểu tiện lợi, thấp tý chân tay co duỗi khó, trẻ em sốt rét (tiểu nhi ôn ngược), sốt cao không bớt. Mắt tai nhìn rõ hơn, ích tâm trí, thêm chí khí (cao chí bất lão)".
- Sách Dược tính bản thảo: " trị phong thấp tý, ù tai, đau đầu chảy nước mắt (đầu phong lệ), làm giảm khí độc (hạ quỉ khí), sát trùng, trị ghẻ lở, sang độc".
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trừ phong hạ khí, trượng phu thủy tạng, nữ nhân huyết hải lãnh bại, hay quên, thuốc tăng khí lực, trừ phiền muộn, chỉ tâm phúc thống, trị co rút gân do thổ tả, trị ghẻ lở phong ngứa, làm bớt tiểu tiện, giết sán lãi trong bụng và rận, bọ chét (sát phúc tạng trùng cập tảo sát), trị đau tai.".
- Sách Bản thảo cương mục: " trị chứng đột tử (trị trúng ác thốt tử), động kinh (khách ngỗ điên nhàn), chứng băng huyết, an thai lậu, tán ung thũng (trị nhọt sưng tấy)".
- Sách Bản thảo tùng tân: " khử thấp trừ phong, trục ứ tiêu tích, khai vị khoan trung, trị chứng độc lî cấm khẩu".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Thuốc sắc, thuốc sắc khử dầu đều có tác dụng an thần, tinh dầu có tác dụng gây ngủ. Thuốc sắc còn có tác dụng chống co giật. Dầu bay hơi của Thạch xương bồ làm giảm vận động của chuột và làm giảm tác dụng kích thích của Ephedrin đối với hệ thần kinh trung ương. Thuốc sắc làm kéo dài tác dụng của thuốc barbiturate.Thuốc sắc và tinh dầu của thuốc đều có tác dụng làm giảm co thắt của cơ trơn dạ dày và ruột và làm tăng tiết đường tiêu hóa.Nước sắc của thuốc hạ chế sự lên men quá mạnh của đường tiêu hóa.Tinh dầu của thuốc có tác dụng hạ nhiệt đối với chuột trắng thí nghiệm.Dịch chiết xuất nồng độ cao của thuốc có tác dụng ức chế nấm gây bệnh ngoài da.Độc tính: liều lượng lớn của thuốc gây co giật ở chuột và dẫn đến chết.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị động kinh: dùng chất chiết xuất của Thạch xương bồ Asrone trị 90 ca cơn động kinh lớn, người lớn mỗi lần 50mg, ngày 3 lần, trẻ em giảm liều, một liệu trình 1 tháng, theo dõi lâm sàng từ 3 tháng đến 2 năm, có kết quả 83,3% ( Trần kiến Gia, Thông báo dược học 1982,9:50). Một báo cáo khác của Trần Kiến Gia dùng Asarone chích bắp, lần đầu 20mg, trong 30 phút nếu còn tái phát chích 20mg nữa, trẻ em giảm liều, hoặc truyền tĩnh mạch (1 - 2mg/kg cân nặng cho vào dịch 10% glucoz). Đã cấp cứu 18 ca động kinh cơn liên tục, kết quả tốt 8 ca, có kết quả 10 ca, tỷ lệ kết quả 100% ( Tạp chí Trung y 1982,12:39).
2.Trị bệnh não do phổi: Chế dịch tiêm Thạch xương bồ (0,5% dung dịch tinh dầu).
- Thể nhẹ dùng 10ml cho vào 25% glucoz 20ml chích tĩnh mạch chậm, ngày 2 lần.
- Thể vừa, ngoài phương pháp trên cho thêm 10ml dung dịch này vào 5% glucoz 200-500ml nhỏ giọt tĩnh mạch ngày 1 lần.
- Thể nặng cho 20ml và nhỏ giọt tĩnh mạch, 5 - 7 ngày là một liệu trình.
Đã trị 279 ca, tỷ lệ có kết quả 74,97%, những triệu chứng chung về tinh thần như mất trí, ý thức lơ mơ hết nhanh, ho suyễn và tím tái cũng được cải thiện (Kim duy Nhạc, Kỷ yếu nghiên cứu Trung thành dược 1982,10:22).
3.Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: dùng viên Asarone 60mg, ngày uống 3 lần liên tục, 14 - 21 ngày là một liệu trình. Đã trị 148 ca viêm phế quản mạn tính và hen phế quản đạt kết quả tốt là 61,1% ( Dương Ngọc, Báo Tân dược và lâm sàng 1986,4:210).
4.Trị trẻ em trí lực phát triển kém: dùng Thạch xương bồ kết hợp với Nhân sâm, Viễn chí, Bổ cốt khí, Đậu khấu, sữa bột cacao, đường chế thành Bánh Dưỡng trí tăng lực trẻ em. Mỗi lần uống 10 - 15g, ngày 2 lần, 2 tuần là một liệu trình, thời gian điều trị 3 tháng. Đã trị 30 ca đều có cải thiện chức năng vỏ não, nâng cao tư duy và khả năng phân tích ( La Thiện Hoa và cộng sự. Kỷ yếu nghiên cứu Trung thành dược 1982,6:22).
5.Trị chứng hôn mê sốt cao do đàm mê tâm khiếu:
Xương bồ uất kim phương: Thạch xương bồ tươi 3g, Uất kim 5g, Sơn chi (sao) 6g, Liên kiều 10g, Cúc hoa 5g, Hoạt thạch 12g, Trúc diệp 10g, Đơn bì 6g, Ngưu bàng tử 10g, Trúc lịch 10g, Gừng tươi (giã lấy nước) 6 giọt, Ngọc xu đơn (bột thành phẩm) 1,5g hòa uống. Sắc nước uống, bằng xông bao tử nếu cần.Xương dương tả tâm thang: Xương bồ, Hoàng cầm, Tô diệp, Hậu phác đều 6g, Phán Bán hạ, Trúc nhự, Tỳ bà diệp đều 10g, Lô căn 15g, Hoàng liên 3g, sắc uống.
6.Trị đau đầy vùng thượng vị do trúng hàn khí trệ:
Thạch xương bồ, Mộc hương đều 6g, Chế hương phụ 12g, sắc uống, ngày 1 lần.
7.Trị lî cấm khẩu:
Khai cấm tán: Nhân sâm 2g, Xuyên Hoàng liên 5g, Thạch xương bồ 6g, Thạch liên tử 12g, Đơn sâm 12g, Phục linh, Trần bì, Trần mễ, Hà diệp đế (cuống lá sen) đều 12g, Đông qua nhân 15g, sắc uống.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
Liều thường dùng uống: 5 - 10g cho vào thuốc thang hoặc hoàn tán. Dùng ngoài lượng vừa đủ, tán bột đắp hoặc sắc rửa. Lượng tươi liều gấp đôi.Chú ý: trường hợp âm huyết hư, tinh hoạt, ra mồ hôi nhiều cần thận trọng.