Tiến sĩ Trường (thứ hai từ trái sang) và giáo sư Guido Marcucci (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự nghiên cứu.
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi giáo sư Guido Marcucci, Giám đốc Trung tâm Ung thư máu tại Viện Nghiên cứu City of Hope, Mỹ.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Xuân Trường, chuyên gia tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM, cho biết tình trạng kháng thuốc và tái phát rất phổ biến với bệnh nhân ung thư máu dòng tủy mạn tính dù được điều trị bằng thuốc ức chế tyrosine kinase là Nilotinib. Nghiên cứu mới này đưa ra chiến lược sử dụng thuốc ức chế tyrosine kinase BCR-ABL kết hợp với chất ức chế một loại RNA siêu nhỏ tên miR-126.
"Sự kết hợp này làm tăng hiệu quả chống tế bào ung thư và giảm khả năng khởi phát của tế bào gốc ung thư máu", tiến sĩ Trường chia sẻ. Nhóm đang nỗ lực sớm đưa loại thuốc mới này vào chương trình nghiên cứu tại Việt Nam nhằm hướng đến thử nghiệm lâm sàng cho bệnh nhân ung thư.
Nghiên cứu này được các nhà khoa học tiến hành trong ba năm. Họ dùng tế bào ung thư máu của người cấy ghép vào tủy chuột khiến chuột bị ung thư máu. Thử nghiệm loại thuốc mới trên chuột cho thấy tăng hiệu quả chống tế bào ung thư của thuốc ức chế tyrosine kinase và làm giảm mạnh khả năng khởi phát ung thư của tế bào gốc ung thư máu.
Các loại thuốc đang sử dụng không diệt được tế bào gốc ung thư nên bệnh thường tái phát sau một thời gian điều trị.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM cho biết tiếp theo thành quả trên, nhóm các nhà khoa học đang phối hợp tiến hành nghiên cứu hiệu quả điều trị của chất ức chế miR-126 trên những dạng ung thư khác.
Nguồn: Báo Vnexpress