Nữ tiến sĩ tìm ra chất trị ung thư từ cây rừng Quảng Trị

PGS Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược, Đại học Y Dược (Đại học Huế) biết đến cây bù dẻ tía thật tình cờ. Chị kể, từ xưa đã nghe chuyện những ông lang, bà mế vùng dân tộc có bài thuốc chữa khỏi nhiều bệnh. Để kiểm nghiệm, chị tìm về bản làng, thu thập mẫu cây nghiên cứu. Chỉ có những bằng chứng khoa học mới đủ thuyết phục về tác dụng của cây dược liệu này.

Cây bù dẻ tía có tên khoa học là Uvaria grandiflora Roxb. ex Hornem, thuộc họ Annonaceae.

Biết được cây bù dẻ tía có tác dụng chữa nhiều loại bệnh, PGS Nguyễn Thị Hoài đã tìm cách nghiên cứu thành phần hóa học của cây.

Cây bù dẻ tía phân bố nhiều ở các khu rừng thứ sinh của Việt Nam.

Năm 2012, tại vùng núi Quảng Trị, chị chọn lọc được 30 mẫu cây thuốc và mất hơn một năm làm thí nghiệm phân tích, nghiên cứu, sàng lọc các mẫu dịch chiết xuất từ cây. 

Bằng nhiều phương pháp, đến nay nhóm nghiên cứu công bố đã phân lập được hai hợp chất quý có trong cây bù dẻ tía. Chúng có hoạt tính mạnh, có thể ức chế sự phát triển và diệt tế bào ung thư.

Chia sẻ với VnExpress, PGS Hoài cho biết, nhóm nghiên cứu mới dừng ở mức thử nghiệm lên tế bào ung thư trong ống nghiệm. Để đến bước làm ra sản phẩm thuốc bán trên thị trường còn một chặng đường rất dài, sẽ phải qua các bước thử độc tính, làm trên chuột thí nghiệm, các đánh giá lâm sàng.

“Các nghiên cứu trên ống nghiệm đã cho kết quả rất tốt nhưng khi tác động lên cơ thể sống cần thêm nhiều đánh giá. Phải xem tác dụng của hoạt chất lên cơ thể sống ra sao? Hoạt chất này chuyển hóa thế nào trong cơ thể? Cơ thể có khả năng hấp thu được hay gây ra độc tính...”, PGS Hoài nói và cho biết hiện chưa có kinh phí để triển khai tiếp các nghiên cứu này.

Chị lý giải, thông thường kinh phí nhà nước cấp cho đề tài nghiên cứu sẽ là năm nay cho đề tài này, năm sau đề tài khác. Vì thế khó để nghiên cứu đến cùng ra sản phẩm có thể thương mại. Mặc dù vậy chị vẫn mong ước nhận được đầu tư để tìm ra bài thuốc quý cho người dân sử dụng giá rẻ.

Đánh giá cao ý nghĩa của công trình nghiên cứu này, Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal - UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao giải thưởng Nhà khoa hoc nữ xuất sắc năm 2017 cho PGS Nguyễn Thị Hoài.

Chị hiện sở hữu 84 công trình nghiên cứu đã công bố trên các tạp chí khoa học, trong đó có 21 công trình công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành. Trong số này có nhiều nghiên cứu về cây dược liệu có tác dụng ngăn ngừa, ức chế các tế bào ung thư, oxy hóa.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài.

Thông tin cây và phương pháp nghiên cứu

Cây bù dẻ tía có tên khoa học là Uvaria grandiflora Roxb. ex Hornem, thuộc họ Annonaceae.

Bằng việc kết hợp các phương pháp sắc ký, hai saponin glycosid thuộc nhóm tritecpen là ardisiacrispin B (1) và sakurasosaponin (2) đã được phân lập từ phân đoạn n-butanol của cây bù dẻ tía. Cấu trúc của 2 saponin này được xác định bằng phổ cộng hưởng từ hạt nhân một chiều, hai chiều (1D, 2D-NMR), phổ khối bụi điện tử (ESI-MS). Đây là lần đầu tiên hai hợp chất này được phân lập từ chi bù dẻ (Uvaria), họ na (Annonaceae).

Bù dẻ tía là cây dây leo thân gỗ, dài 8-10 m, cành non có lông tơ màu vàng nâu. Lá lúc non có lông vàng, lúc già đổi màu nâu và có màu ôliu lúc khô.

Cây có hoa thường mọc đơn độc, cuống hoa dài 1-2 cm, có 2 lá dạng lớn. Cây ra hoa vào tháng 4-6, có quả tháng 8-9 hàng năm. Bù dẻ tía mọc trong rừng thứ sinh, ở độ cao dưới 300 m, phân bố tự nhiên ở nhiều nơi như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đồng Nai.

Ngoài ra, cây còn phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Xrilanka, Malaysia và Indonesia.

Thông tin cây Tên Việt Nam: CHUỐI CON CHỒNG, Tên Latin: Uvaria grandiflora

CHUỐI CON CHỒNG

Uvaria grandiflora Roxb. ex Hornem

Unona grandiflora DC.

Uvaria purpurea Blume

Uvaria platypetala Champ. ex Benth.;

Họ: Na Annonaceae

Bộ: Na Annonales

Đặc điểm nhận dạng:

Dây leo thân gỗ, dài 8 - 10m. Cành non có lông tơ màu vàng nâu, lá thuôn hình trứng ngược, cỡ (11)13 - 19(24) x (3)5 - 7(10)cm, chóp lá có mũi ngắn, gốc tròn, hoặc hơi hình tim; mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông rậm; gân bên khoảng 13 - 20 đôi, rõ ở mặt dưới; cuống lá dài 4 - 5mm. Hoa thường mọc đơn độc, cuống hoa dài 1 - 2cm, có 2 lá bắc dạng lá lớn (cỡ 2,5 - 3,5 x 2 - 3cm), Đài bao kín nụ hoa, lá dài mỏng, hình trái  xoan hay hình tròn, đường kính 2cm, mặt ngoài có lông ngắn.

Cánh hoa rời, màu đỏ tía, hình trái  xoan, cỡ 3 - 4 x 2cm, cả 2 mặt đều có lông. Nhị dài 6 - 7mm, đôi khi có lông ở mép bao phấn; mào trung đới hình lưỡi, rất nhỏ. Noãn 20 - 30, Đế hoa lồi hình bán cầu, đôi khi hơi lõm ở đỉnh. Phân quả hình trụ, dài 4 - 6cm, rộng 1 - 1,5cm, có lông tơ màu vàng nâu; cuống phân quả dài 1 - 2cm; vỏ quả dày (tới 1 - 2mm). Hạt màu vàng hơi nâu, nhẵn.

Sinh học, sinh thái:  

Cây ra hoa tháng 4 - 6, có quả tháng 8 - 9. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, thứ sinh, ở độ cao dưới 300m.

Phân bố:

Thanh Hóa, Quảng Bình (Bố Trạch, Ba Rền), Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế (Phú Lộc, Sông Hai Nhánh), Đà Nẵng (Tourane), Quảng Nam (Cù Lao Chàm), Khánh Hòa (Hòn Tre), Đồng Nai (Biên Hòa). Còn có ở Ấn Độ (Calcutta), Mianma, Trung Quốc (Quảng Tây, Hồng Kông, Hải Nam), Xri Lanka, Malaixia, Inđônêxia (Java).

Ghi chú:

Một số tác giả, chẳng hạn như Sinclair (1955:202) và Y. Tsiang & P. T. Li (1979:26) khi coi Uvaria grandiflora. là tên chính thức của Taxon này đã trích dẫn sai tài liệu gốc. Theo Sinclair, và Y. Tsiang & P. T. Li, tên gọi Uvaria grandiflora được công bố vào năm 1824 trong cuốn "Flora Indica" ở trang 665.

Trên thực tế cuốn Flora Indica (1824) chỉ có 558 trang và tên gọi trên hoàn toàn không được nhắc đến; nó chỉ được nhắc trong lần xuất bản thứ 2 cuốn Flora Indica, phát hành vào năm 1832 và lại ở đúng trang 665. Cũng có nhiều tác giả khác, trong đó có cả Backer & Bakhuizen f. (1965), vẫn coi Uvaria purpurea là tên chính thức của Taxon này. 

Tài liệu dẫn: Thực vật chí Việt Nam - Nguyễn Tiến Bân - tập 1 - trang 59.