Nhận biết sâm ngọc linh thật giả chỉ cần nhìn vào 1 điểm này

Lợi dụng giá trị của sâm Ngọc Linh, một số gian thương đã dùng tam thất hoang, tam thất Vũ Diệp để giả mạo loại sâm quý hiếm này, bán cho người dùng.

Sâm Ngọc Linh được doanh nghiệp, người dân trồng và khai thác tại hai tỉnh là Kon Tum & Quảng Nam

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng đoàn công tác cho hay, đoàn đã tiến hành khảo sát một số địa điểm kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Đà Nẵng; vùng ươm tạo, trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và làm việc các cơ quan liên quan tại địa phương.

Khảo sát thị trường và ghi nhận từ phản ánh của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương cho thấy, hiện nay, trên thị trường các địa phương này có sâm Ngọc Linh giả (hạt, giống cây, củ, lá và hoa); các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh được cho là có nguồn gốc từ tam thất hoang hoặc tam thất Vũ Diệp được nhập từ phía Bắc (có hình dáng rất giống với sâm Ngọc Linh).

Theo nhà chức trách, các hành vi vi phạm rất khác nhau có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc tiêu chuẩn chất lượng.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sử dụng biển hiệu “Sâm Ngọc Linh,” tên doanh nghiệp, tên thương mại có chứa cụm từ “Sâm Ngọc Linh” mà không được phép của Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum; bán sâm Ngọc Linh giả và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh giả tại các cửa hàng, hoặc trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, mua bán công khai hoặc giao nhận tận tay, cất giấu tại nơi ở…

Theo quy định pháp luật hiện hành, củ sâm Ngọc Linh giả được kinh doanh trên thị trường là hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý (Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp). Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý có thể bị xử lý hành chính, dân sự, hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.