Cây dược liệu cây Cacao - Theobroma cacao L

Theo y học cổ truyền, dược liệu Ca cao Vị đắng, thơm; có tác dụng lợi tiểu, loại các chlorua. Người ta thường ủ hạt để chế bột ca cao và làm sôcôla. Nhân hạt được dùng trị phù thũng và cổ trướng.

1. Hình ảnh cây Ca cao

2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Ca cao

Cacao - Theobroma cacao L., thuộc họ Trôm - Sterculiaceae.

Mô tả: Cây gỗ nhỏ, nhánh không lông. Lá có phiến tròn dài, hơi lộn ngược, dài 20-30cm, không lông; cuống phù hai đầu; lá kèm cao 1cm. Hoa nhỏ, mọc ở thân và các nhánh to, rộng 5-7mm, có đài xanh xanh; cánh hoa trắng, có hai sọc đỏ, đầu có phần phụ hẹp hình dằm, dài; nhị sinh sản 5, nhị lép 5, màu đỏ đậm. Quả dài 10-20cm, có u nần thấp, màu vàng rồi đỏ; nạc trắng; hạt to.

Hoa quả quanh năm.  

Bộ phận dùng: Hạt - Semen Theobromae.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mỹ châu nhiệt đới. Ta thường trồng ở các tỉnh Tây Nguyên (Đắc Lắc, Lâm Đồng) và cả ở thành phố Hồ Chí Minh để lấy hạt.

Thành phần hóa học: Có theobromin và các chất béo (bơ Cacao).

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, thơm; có tác dụng lợi tiểu, loại các chlorua.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta thường ủ hạt để chế bột ca cao và làm sôcôla. Nhân hạt được dùng trị phù thũng và cổ trướng.

Ở Âu Châu, người ta dùng theobromin dập viên 0,5g, dùng 2-6 viên mỗi ngày.