Cây dược liệu cây Guột rạng, Ráng dừa - Blechnum orientale L

Theo y học cổ truyền, dược liệu Guột rạng Vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng chỉ huyết, hoạt huyết tán ứ; cũng có thể rút độc sinh cơ. Dân gian ở nước ta cũng như ở Trung Quốc và Malaixia thường dùng chồi lá non giã nát nhỏ đắp rút mủ mụn nhọt và vết thương sưng tấy. Người ta còn phối hợp với lá Vông vang dùng đắp vào vết rắn cắn để hút độc.

1. Hình ảnh cây Guột rạng

2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Guột rạng

Guột rạng, Ráng dừa - Blechnum orientale L., thuộc họ Guột rạng - Blechnaceae.

Mô tả: Dương xỉ cao tới 1-2m, có thân rễ mọc đứng, phủ nhiều vẩy dạng sợi, màu nâu hồng ở gốc. Lá có cuống dài 20-40cm, mọc đứng, có vẩy ở gốc, phiến lá dài 0,5-1,5m, rộng 20-40cm, có dạng thuôn, kép lông chim một lần; lá chét rất nhiều, không cuống, dài 10-25cm, rộng 1cm, thu hẹp dần ở đầu thành mũi nhọn, mép nguyên; trục lá và phiến không lông, gân đơn hay rẽ đôi. ổ túi bào tử kéo dài thành đường liên tục, có áo túi và không nằm sâu trong hốc. Bào tử hình thận màu vàng nhạt; mang nhiều mào lồi dọc không đều.

Cây sinh sản vào mùa hè.

Bộ phận dùng: Thân rễ và dây lá - Rhizoma et Herba Blechni.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc thành đám, dựa suối, trên các đồi hay ven rừng từ vùng thấp tới vùng cao 1300m ở nhiều nơi.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng chỉ huyết, hoạt huyết tán ứ; cũng có thể rút độc sinh cơ.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dân gian ở nước ta cũng như ở Trung Quốc và Malaixia thường dùng chồi lá non giã nát nhỏ đắp rút mủ mụn nhọt và vết thương sưng tấy. Người ta còn phối hợp với lá Vông vang dùng đắp vào vết rắn cắn để hút độc. Ở Trung Quốc, người ta còn dùng thân rễ của nó làm thuốc trị bệnh cảm cúm, viêm màng não, ban chấn thương hàn, bệnh giun đũa giun móc câu, chảy máu cam, thổ huyết, băng huyết, viêm tuyến nước bọt, bỏng lửa.