Cây dược liệu cây Dung lá táo - Symplocos chinensis (Lour.) Druce

Theo y học cổ truyền, dược liệu Dung lá táo Vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng giải cảm sốt, làm long đờm, khỏi phiền khát. Ở Trung Quốc dùng chữa cảm mạo phát sốt, miệng khô, tâm phiền, sốt rét, đau lưng mỏi gối.

1. Hình ảnh cây Dung lá táo

2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Dung lá táo

Dung lá táo - Symplocos chinensis (Lour.) Druce, thuộc họ Dung - Symplocaceae.

Mô tả: Cây bụi cao 1-2m. Thân hình trụ, vỏ sần sùi, nhánh mảnh, mọc đứng, ban đầu có nhiều lông màu hung, sau nhẵn hay ít lông. Lá mọc so le, hơi cứng, hình trứng, gốc và đầu nhọn hay tù, mép có răng nom như lá táo, gân phụ 4-7 đôi. Hoa họp thành chuỳ ở ngọn; hoa nhiều, trắng, thơm; lá bắc 1 ở gốc cuống hoa; lá bắc con 2 ở đỉnh cuống hoa; đài có 5 thuỳ, có lông ở mép; tràng hoa có 5 cánh gần như rời; nhị khoảng 45; bầu dưới 2 ô. Quả tròn tròn khi chín màu xanh đậm; vỏ quả ngoài nạc, vỏ quả trong hình con quay, hạt 1-2.

Ra hoa vào mùa hè (tháng 3).

Bộ phận dùng: Rễ - Radix Symplocoris Chinensis.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố chủ yếu ở Trung Quốc và miền Bắc của nước ta. Thu hái rễ về mùa hè thu, rửa sạch, thái miếng, phơi khô để dùng.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng giải cảm sốt, làm long đờm, khỏi phiền khát.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc dùng chữa cảm mạo phát sốt, miệng khô, tâm phiền, sốt rét, đau lưng mỏi gối. Liều dùng 12-20g rễ khô, sắc uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.