1. Hình ảnh mô tả cây Tiết dê, Dây hồ đằng, Sâm nam - Cissampelos pareira L., thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.
Tiết dê, Dây hồ đằng, Sâm nam - Cissampelos pareira L., thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.
Mô tả: Dây leo cỡ 1m, có thân và nhánh rất mảnh, hơi có lông. Lá hình trái xoan dạng tim rộng, hơi hình khiên, tù, lõm hay nhọn ở đỉnh, luôn luôn có mũi gai nhọn cứng, dài và rộng 2,5-3cm, màu nhạt, có 5 gân chính rất không đều. Cụm hoa đực ở nách, thành tán nhỏ rộng 10-15mm; cụm hoa cái thành chùm dạng bông, có nhiều lá tiêu giảm thành lá bắc. Quả hạch xoan ngược dạng thận, dài 5mm, có lông xám có vòi cạnh gốc.
Quả tháng 4-5.
Tiết dê, Dây hồ đằng, Sâm nam
2. Thông tin mô tả Công dụng, tác dụng, bài thuốc từ cây Dược Liệu Tiết dê, Dây hồ đằng, Sâm nam - Cissampelos pareira L
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Cissampelotis Pareirae, thường có tên là Tích sinh đằng.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở châu Phi, châu Á nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở nước ta, cây mọc rải rác ở bìa rừng và đồi cây bụi ở phiến non. Có thể hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học: Trong cây có các alcaloid Cissampareine, D-Quercitol, Hayatine, l-Bebeerine (tức l-Curine), d-Isochondrodendrine, Hayatidine, Cissamine, (++)-4’’-6-Methylcurine. Vỏ rễ chứa Menismine, Cissamine, Pareirine.
Tính vị, tác dụng: Vị nhạt hơi tê, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, chỉ huyết, sinh cơ. Ở Ấn Độ, rễ cây được xem như có tác dụng chống sốt chu kỳ, lợi tiểu, khử lọc, lợi tiêu hoá.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, cây được dùng trị đòn ngã tổn thương, vết thương do chèn ép, vết thương mở chảy máu.
Ở Ấn Độ, rễ cây được dùng trị đầy hơi, ỉa chảy, phù, ho và rối loạn niệu đạo (như có sỏi...) và trị rắn cắn. Lá dùng đắp ngoài trị ghẻ.
Ở Philippin, rễ sắc uống làm thuốc lợi tiểu, tiêu sỏi, làm toát mồ hôi, điều kinh, giảm đau, chữa ho, sốt và lá cây chữa rắn cắn và trị ghẻ.
3. Một số bài thuốc theo kinh nghiệm: theo Bác sĩ Nguyễn Thị Nga
Giải khát, hạ nhiệt: Lấy khoảng100g lá tiết dê tươi già, loại bỏ lá non, lá sâu, rửa sạch (cần nhẹ tay, tránh làm rách lá). Để ráo nước, rồi cho vào chậu sạch, đổ một lít nước đun sôi để nguội. Vò mạnh cho nát lá trong 15 - 20 phút. Lọc nhanh bằng vải màn hoặc bằng rây. Hớt hết bọt nổi ở trên, rồi để khoảng 4 - 6 giờ cho đông đặc là dùng được.
Chữa tiểu tiện khó, giảm sốt: Lá tiết dê tươi 50g, vò nát hoặc giã nhỏ, thêm một ít nước chín nguội, vắt lấy nước uống. Có thể thêm đường cho dễ uống. Ngày dùng khoảng 100g lá tươi.
Hỗ trợ điều trị thủy đậu: Lá tiết dê 20g, lá bạc thau 8g, lá rau bát 15g, lá bồ ngót 20g, lá quỳnh châu 10g, lá đào tiên 5g, lá diếp cá 20g, lá mặt trăng 10g, bông mã đề 15g, lá dâm bụt 5g, rau má 20g. Tất cả rửa sạch rồi vò trong một lít nước, đun sôi nước đó lên, lọc bã, để nguội dùng làm nước uống. Mỗi ngày dùng 1 lần. Dùng liên tục 3 - 4 ngày.
Chữa ứ huyết sưng đau do ngã: Lá tiết dê 12g, hoa mộc miên 16g, rễ si 16g, dây tơ hồng 12g, cỏ nhọ nồi 12g, rễ tục đoạn 12g, rễ phục sinh 12g, lá bồ công anh 12g, hoài sơn 8g, kê huyết đằng 8g. Tất cả tán nhỏ, phơi khô, sắc lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày, trước bữa ăn sáng, chiều. Uống trong 3 ngày.
Chữa mụn nhọt (giai đoạn nung mủ, phá mủ): Lá tiết dê, măng tre non, lá thầu dầu tía, lượng bằng nhau, rửa sạch, thêm vài hạt muối, giã nát, đắp lên chỗ nung mủ ngày một lần có tác dụng hút mủ rất tốt.