Cây dược liệu cây Ngọc trúc - Polygonatum odoratum

Theo Đông y ngọc trúc có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh phế và vị. Có công năng dưỡng âm, nhuận táo, sinh tân, chỉ khát, bổ khí huyết, trừ phong thấp. Chủ trị trúng phong nhiệt, ho suyễn, phiền khát, hư lao, phát nóng ở tiêu hóa.

1. Hình ảnh cây Ngọc trúc - Polygonatum odoratum (Mill.) Druce (P. officinale All.), thuộc họ Hoàng tinh - Convallariaceae.

Ngọc trúc có tên khoa học: Polygonatum odoratum là một loài thực vật có hoa trong họ Măng tây. Loài này được (Mill.) Druce miêu tả khoa học đầu tiên năm 1906.

Ngọc trúc - Polygonatum odoratum (Mill.) Druce (P. officinale All.), thuộc họ Hoàng tinh - Convallariaceae.

Mô tả: Cây thảo cao 20-50 (40-65)cm. Thân có gốc, phía dưới trần, phía trên mang lá mọc so le hướng lên trên về cùng một phía của thân, hầu như không cuống, có gân không phân nhánh đồng qui. Hoa thuôn, mọc thõng, riêng lẻ hay từng đôi trên cùng một cuống, ở nách những lá phía trên, về phía kia của thân so với lá. Mỗi hoa có 3 lá đài, 3 cánh hoa dính nhau thành một ống màu trắng, dài 1,5-2cm, rộng 5-8mm, viền xanh, có 5 phiến nhỏ; 6 nhị xếp hai vòng dính nhau trên bao hoa, có chỉ nhị ngắn, nhẵn và bao phấn hướng trong; 3 lá noãn dính nhau thành bầu 3 ô; một vòi nhuỵ chia 3 thuỳ đầu nhuỵ. Quả mọng tròn, đen - lam, chứa 3-6 hạt vàng có chấm sáng. Cây sống dai do có thân rễ, hàng năm cho ra nhánh khi sinh ở chồi ngọn và khi nó rụng đi để lại vết sẹo như vòng trên thân rễ.

Hoa tháng 4-6, quả tháng 8-10.

Cây Ngọc trúc - Polygonatum odoratum (Mill.) Druce

2. Thông tin mô tả của Dược Liệu

Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Polygonati Odorati, thường gọi là Ngọc trúc.

Nơi sống và thu hái: Cây của châu Âu, Bắc Đông và Tây châu Á. Ở nước ta, cũng gặp cây mọc hoang ở chỗ ẩm ướt trong rừng miền núi. Thu hái vào mùa thu, đào thân rễ về rửa sạch, cắt bỏ rễ con, đem phơi héo, hay đồ qua rồi lăn cho mềm, phơi cho khô.

Thành phần hoá học: Trong thân rễ Ngọc trúc có adoratan, polygonatum-fructan-O,A,B,C,D và azetidin-2-carboxylic acid.

Tính vị, tác dụng: Ngọc trúc có vị ngọt, tính hơi hàn; có tác dụng dưỡng âm, nhuận táo, sinh tân chỉ khát.

Công dụng: 

Thường dùng chữa: 

1. Thân thể hư yếu, ra nhiều mồ hôi, đái nhiều và đái đường; 

2. Họng khô, miệng khát, âm hư phát sốt, ho khô; 

3. Mắt đỏ sưng đau, mờ tối; 

4. Phong thấp, đau lưng, 

5. Đòn ngã, vết thương.

Ngày dùng 8-18g, phối hợp với các vị thuốc khác.

Đơn thuốc:

1. Chữa âm hư phát sốt, ho khô, miệng khô họng ráo: Ngọc trúc 16g, Mạch môn, Sa sâm đều 12g, Cam thảo dây 8g, sắc uống.

2. Chữa mắt đau đỏ, thấy hoa đen, mù tối: Dùng Ngọc trúc 12g, Sinh địa, Huyền sâm, Thảo quyết minh sao, Cúc hoa, mỗi vị 10g, Bạc hà 2g, nấu xông hơi và uống.

Ghi chú: Người dương suy, âm thịnh, tỳ hư đờm thấp ứ trệ không được dùng.

3. Thông tin thêm về cây Ngọc Trúc

Ở Việt Nam, ngọc trúc mọc hoang ở các vùng núi cao, ẩm và mát như Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu), Đồng Văn (Hà Giang) và cũng được trồng trong các gia đình người Hmông ở Phó Bảng (Hà Giang).

Cái tên "Ngọc trúc" bắt nguồn từ hình dạng lá gần giống lá trúc và thân rễ bóng nhẵn trông như ngọc, còn tên tiếng Anh "Solomon's Seal" bắt nguồn từ những sẹo hình dấu niêm trên thân rễ của cây. Tuy nhiên, theo Edgar Denison, tên tiếng Anh của loài không có nghĩa ám chỉ dấu niêm mà ám chỉ tính chất "niêm kín vết thương".

Lưu ý không nhầm với củ hoàng tinh to hơn và ngứa, có nhiều đốt không đều nhau.

Hình ảnh quả cây Ngọc Trúc

4. Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu một vài phương trị liệu tiêu biểu từ ngọc trúc theo: BS. Hoàng Xuân Đại

Trị bệnh mạch vành đau thắt ngực: (phối hợp với đảng sâm chế thành phương) cao sâm trúc: gồm: đảng sâm 12g, ngọc trúc 20g, sắc đặc thành cao, chia 2 lần uống trong ngày.

Trị chứng ngoại cảm: (biểu hiện chứng ho, phế táo ở người bệnh vốn âm hư). Dùng phương Gia giảm ngọc trúc thang (trong Thông tục thương hàn luận) gồm ngọc trúc 12g, hành tươi 3 củ, cát cánh 2g, đạm đậu xị 16g, bạc hà 4g cho sau để khỏi mất tinh dầu, chích cam thảo 2g, bạch vi 4g, táo tàu 2 quả, sắc uống ngày 1 thang chia 2 - 3 lần trong ngày.

Trị viêm phế quản mạn: Ngọc trúc 12g, mạch môn đông 16g, sa sâm 12g, thạch hộc 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần trong ngày.