Cây Riềng, Riềng thuốc - Alpinia officinarum Hance

Dược liệu Riềng Vị cay thơm, tính ấm; có tác dụng lợi tiêu hóa, giảm đau, chống lạnh. Thường được dùng trị: Ðau thượng vị, nôn mửa, tiêu hóa kém; Loét dạ dày và tá tràng, đau dạ dày mạn tính; Viêm dạ dày - ruột cấp; Sốt rét, có báng. Dùng ngoài trị lang ben.

2. Riềng, Riềng thuốc - Alpinia officinarum Hance, thuộc họ Gừng - Zingiberaceae.

Mô tả: Cây thảo sống lâu, mọc thẳng cao 1-1,5m, thân rễ mọc bò ngang, chia thành nhiều đốt không đều nhau, màu đỏ nâu, phủ nhiều vẩy. Lá không cuống, có bẹ hình mác, mọc thành 2 dãy. Hoa màu trắng, tập hợp thành chùm thưa ở ngọn. Cánh môi to, có vân đỏ. Quả hình cầu, có lông, hạt có áo hạt.

Mùa hoa quả tháng 5-9 và kéo dài đến hết năm.  

Bộ phận dùng:  Thân rễ - Rhizoma Alpiniae, thường gọi là Cao lương khương

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Việt Nam, thường gặp ở Trung Quốc. Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng lấy thân rễ làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng đoạn thân rễ vào mùa xuân, được 1 năm, có thể thu hoạch. Thu hái thân rễ cuối mùa hè, chỉ chọn củ già, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, cắt thành từng đoạn 4-6cm, phơi khô hoặc đồ qua rồi mới phơi.

Thành phần hoá học: Thân rễ chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cineol và metylcinnamit. Còn có chất dầu vị cay là galangol và các dẫn chất của flavon ở dạng tinh thể là galangin, alpinin và kaempferin.

Tính vị, tác dụng: Vị cay thơm, tính ấm; có tác dụng lợi tiêu hóa, giảm đau, chống lạnh.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị: 1. Ðau thượng vị, nôn mửa, tiêu hóa kém; 2. Loét dạ dày và tá tràng, đau dạ dày mạn tính; 3. Viêm dạ dày - ruột cấp; 4. Sốt rét, có báng. Dùng ngoài trị lang ben. Liều dùng 3-10g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài giã cây tươi đắp.

Ðơn thuốc:

1. Ðau thượng vị, loét tá tràng, đau dạ dày mạn tính: Riềng, Hương phụ mỗi vị 60g, tán nhỏ thành bột, luyện viên, ngày dùng 9g, chia 3 lần.

2. Nôn mửa: Riềng, Bán hạ, Gừng, mỗi vị 10g, sắc nước uống. Nếu nôn mửa có đau bụng, dùng 8g Riềng với 1 quả Táo sắc nước uống 2-3 lần trong ngày.

3. Sốt rét, kém tiêu hóa: Riềng tẩm dầu vừng sao 40g. Gừng khô nướng 40g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, dùng uống ngày 15-20 viên.

4. Lang ben: Riềng giã nát ngâm rượu hoặc giấm bôi.

Riềng hay riềng thuốc, lương khương (Tên khoa học: Alpinia officinarum) là cây thân thảo thuộc họ Gừng.

Hình ảnh hoa và củ cây Riềng, Riềng thuốc - Alpinia officinarum