Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo bệnh tật trên móng tay mà bạn nên chú ý.
Tiến sĩ Natalie Azar, chuyên gia tư vấn y tế của hãng tin NBC, cho biết: "Móng tay có thể là cánh cửa mở ra các vấn đề về sức khỏe vì đôi khi các dấu hiệu trên móng tay ám chỉ một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn".
Tiến sĩ Phoebe Rich, Giám đốc Phòng khám Rối loạn Móng, Đại học Y tế và Khoa học Oregon (Hoa Kỳ), đồng thời là bác sĩ da liễu tại Trung tâm Da liễu và Nghiên cứu Oregon, cho biết: "Có rất nhiều vấn đề về sức khỏe có thể được phát hiện qua các dấu hiệu trên móng tay".
1. Móng tay trắng
Nếu móng tay của bạn có màu trắng và đường viền sẫm màu hơn, đây có thể là dấu hiệu của các bệnh về gan, chẳng hạn như viêm gan.
Tình trạng này còn được gọi là móng tay Terry. Thuật ngữ "móng tay Terry" được đặt theo tên của vị bác sĩ đầu tiên phát hiện ra triệu chứng móng tay trắng xảy ra cùng với các bệnh cụ thể, bác sĩ Richard Terry. Vào những năm 1950, vị bác sĩ này đã phát hiện ra hơn 8/10 người bị xơ gan nặng có biểu hiện móng tay trắng.
Móng tay Terry đôi khi là dấu hiệu của lão hóa, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của suy tim sung huyết, suy thận hoặc tiểu đường.
Các chuyên gia cho rằng các căn bệnh này ảnh hưởng tới lưu lượng máu tới các móng, khiến cho máu không được hồng hào mà chuyển màu trắng.
2. Móng tay nhợt nhạt, giòn
Móng tay nhợt nhạt có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Thiếu máu
- Suy tim sung huyết
- Bệnh gan
- Suy dinh dưỡng
Móng tay giòn có thể do chế độ ăn uống của bạn có vấn đề hoặc do tiếp xúc với hóa chất.
Theo tiến sĩ Phoebe Rich, khi cơ thể bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định, điều này cũng sẽ thể hiện ngay từ móng tay. Những người bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc bệnh về tuyến giáp cũng thường có móng tay giòn.
Cấu tạo chính của móng tay là keratin, một loại protein chứ không phải là canxi giống như nhiều người vẫn thường nghĩ. Do đó, hãy bổ sung đầy đủ protein vào chế độ ăn uống để có bộ móng chắc khỏe.
3. Móng tay vàng
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến móng tay bị vàng là do nhiễm nấm. Khi tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn, lớp móng có thể bị cong lại, móng có thể dày lên, dễ gãy và chậm mọc.
Trong một số trường hợp, móng tay màu vàng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn như bệnh tuyến giáp nặng, bệnh phổi, tiểu đường hoặc vẩy nến.
Tiến sĩ Phoebe Rich cho biết móng tay vàng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh đường hô hấp, chẳng hạn như viêm phế quản mạn tính.
4. Móng tay có màu xanh nhạt
Khi móng tay có màu xanh lam nhạt, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn đang không được cung cấp đủ oxy. Đây là các dấu hiệu của bệnh phổi, chẳng hạn như khí phế thũng.
Đối với các bệnh nhân mắc ung thư phổi, chức năng phổi bị suy giảm dẫn tới cơ thể không được cung cấp đủ oxy. Khi lượng oxy giảm, ngón tay (hoặc ngón chân) là những bộ phận xa cơ thể nhất sẽ có biểu hiện sớm hơn. Lúc này, móng tay/chân có thể bị sưng tấy lên, có màu xanh do thiếu oxy. Đây là hiện tượng ngón tay/chân dùi trống.
Ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ngón tay dùi trống, khoảng 5 - 15% bệnh nhân ung thư phổi cho biết họ có triệu chứng này.
Một vài căn bệnh về tim, viêm ruột hoặc bệnh gan cũng có thể gây ra tình trạng móng tay xanh xao.
5. Móng tay gợn sóng
Nếu trên bề mặt của móng tay gợn sóng hoặc bị rỗ, đây có thể là dấu hiệu của bệnh vẩy nến hoặc viêm khớp. Đi kèm với tình trạng này thường là sự thay đổi màu sắc của móng, da dưới móng có thể có màu nâu đỏ.
Rỗ móng cũng có thể liên quan đến rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như hội chứng Reiter (viêm khớp phản ứng).
6. Nứt hoặc tách móng
Móng tay khô, giòn, thường xuyên bị nứt hoặc tách ra có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp. Đi kèm với tình trạng này, nếu móng tay có màu vàng có nhiều khả năng bạn đã bị nhiễm nấm.
7. Da dưới móng sưng đỏ
Nếu phần da xung quanh móng có màu đỏ và sưng lên, đây là dấu hiệu của viêm nếp gấp móng.
Lupus hoặc một số chứng rối loạn mô liên kết khác có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Nhiễm trùng cũng có thể gây đỏ và viêm nếp gấp móng tay.
Tiến sĩ Phoebe Rich cho biết: "Lớp da xung quanh móng rất quan trọng trong việc ngăn vi khuẩn, nấm xâm nhập vào bên dưới móng tay và gây nhiễm trùng".
8. Sọc sẫm màu dưới móng tay
Các đường sẫm màu bên dưới móng tay là dấu hiệu cần được thăm khám càng sớm càng tốt. Đôi khi, các đường sẫm này có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư da.
Mọi người thường nghĩ rằng ung thư da chỉ có các dấu hiệu trên da như xuất hiện nốt ruồi hoặc thay đổi màu sắc da. Tuy nhiên, ung thư da có thể có thể bắt đầu từ móng tay.
Tiến sĩ Phoebe Rich nói: "Trong những trường hợp nặng hơn, các đường sẫm này có thể lan sang vùng biểu bì hoặc vùng da xung quanh móng tay. Đó là một dấu hiệu đáng ngại cho thấy ung thư đang phát triển và lan rộng".
Một số loại thuốc và sự thay đổi hormone cũng có thể tạo ra các dải sắc tố trên móng tay. Tuy nhiên, hãy đặc biệt chú ý tới các đường sọc sẫm màu đi từ lớp biểu bì ra đến đầu móng tay, đặc biệt khi các đường này ngày càng lan rộng.
Nếu móng tay của bạn có các đốm nâu, đặc biệt nếu các đốm này bị rỗ, đây có thể là dấu hiệu của bệnh vẩy nến móng tay.
9. Móng tay thường xuyên bị cắn
Rất nhiều người có thói quen cắn móng tay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cắn móng tay có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tâm lý như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Nếu bạn không thể dừng thói quen này, hãy tới gặp các bác sĩ để được khám và tư vấn.
10. Các vết hằn lõm trên móng tay
Các vết hằn lõm trên móng tay có thể xuất hiện khi bạn già đi. Tuy nhiên, nếu thấy các vết hằn lõm chạy ngang móng tay (hay còn gọi là đường Beau), hãy cẩn trọng với những bệnh lý nguy hiểm về sức khỏe.
Đường Beau có thể là dấu hiệu của tiểu đường, bệnh mạch máu ngoại vi, sốt, viêm phổi hoặc thiếu hụt kẽm.
Móng tay có thể chỉ trả lời được 1 phần câu hỏi
Mặc dù những thay đổi ở móng có thể báo hiệu những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, tuy nhiên, hiếm khi những thay đổi này là những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Thêm vào đó, nhiều bất thường ở móng tay có thể là vô hại.
Nếu bạn lo lắng những dấu hiệu trên móng tay, hãy tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn.
(Tổng hợp: Mayo Clinic, WebMD, Today, Clevelandclinic)